Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo. Ảnh: N. LỘC |
Ông có thể cho biết những bất cập, tồn tại khi thực hiện cổ phần hóa DNNN, cũng như công tác tổ chức đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN sau cổ phần hóa hiện nay ra sao, thưa ông?
- Về tình hình triển khai, có thể thấy việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai chậm, quá trình cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, tiêu cực và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Trách nhiệm của người quản lý DN nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường…
Thời gian qua, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành đã đánh giá kết quả DN đạt được sau cổ phần hóa trên một số khía cạnh, như nộp ngân sách, lợi nhuận… của DN, song đến nay chưa đánh giá được vấn đề quản lý, sử dụng tài sản đất đai sau cổ phần hóa thì được sử dụng ra sao? Công nghệ có được đổi mới hay không, người lao động được sử dụng ra sao? Vai trò, trách nhiệm của DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với xã hội ra sao đến nay cũng chưa có đánh giá một cách đầy đủ, xác đáng.
Tóm lại, những bất cập, hạn chế trong và sau cổ phần hóa DN thì đã được các báo cáo nhắc đến nhiều, nhưng vẫn chưa có bức tranh tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sau cổ phần hóa. Vì vậy chưa có đánh giá tổng thể về việc các mục tiêu sau cổ phần hóa có được thực hiện hay không. Bên cạnh đó, do ràng buộc về chức năng, nhiệm vụ nên rất khó khăn để tiếp cận các DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ có KTNN là có cơ sở pháp lý (khoản 10 Điều 55 Luật KKTNN) để thực hiện đánh giá một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến cổ phần hóa với đối tượng DN này.
Đối với cổ phần hóa DN, đất đai luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Ông có thể cho biết một số lỗ hổng, cũng như thực trạng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa DN?
- Đối với đất đai, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sử dụng sai mục đích, đặc biệt khi liên quan đến cổ phần hóa. Như chúng ta đã thấy, thời gian qua nhiều nhà đầu tư quan tâm đến DN cổ phần hóa chỉ vì các khu đất “vàng”, “kim cương” do các đơn vị này nắm giữ.
Thực trạng này cũng được KTNN chỉ ra qua công tác kiểm toán, như: Một số đơn vị không lập phương án sử dụng đất nhưng vẫn được phê duyệt phương án cổ phần hóa; xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý chưa bảo đảm, không phù hợp với quy hoạch...
Việc sử dụng đất sau cổ phần hóa còn một số hạn chế, như vi phạm quản lý đất đai sử dụng không đúng mục đích hoặc không đưa vào sử dụng, thiếu quản lý dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm; bán tài sản trên đất hoặc sử dụng để góp vốn liên doanh, liên kết rồi thoái vốn nhằm mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá, làm thất thoát ngân sách hoặc khi chưa đủ điều kiện, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Bên cạnh đó là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao, không phù hợp quy hoạch, không qua đấu giá; các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất được triển khai chưa đúng so với giấy phép phê duyệt ban đầu gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm sai lệch mục tiêu cổ phần hóa.
Việc tính tiền thuê đất một lần vào giá trị DN và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là “lỗ hổng” để các DN tư nhân tham gia cổ phần hóa DNNN chiếm quyền sử dụng các khu đất “vàng” để xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại. Chính điều này làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường; đồng thời là nguyên nhân cản trở quá trình phát triển nền kinh tế, gây nên tình trạng giải thể DN, làm người lao động thất nghiệp sau cổ phần hóa do sau khi “thâu tóm” DN thì chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bán máy móc, thiết bị, cho công nhân nghỉ việc.
Nhìn từ những kết quả vừa qua, ông đánh giá ra sao về vai trò của KTNN đối trong quá trình thực hiện cổ phần hóa DN hiện nay, thưa ông?
- Thời gian qua, KTNN đã thể hiện vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong quá trình minh bạch hóa cũng như nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa DN.
Trong hoạt động xác định giá trị DN, KTNN tiến hành kiểm tra tính chính xác của kết quả xác định giá trị DN do các đơn vị tư vấn định giá đưa ra, giúp ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn nhà nước đầu tư tại DN do bị định giá thấp, đồng thời góp phần tối đa hóa lợi ích chính đáng của Nhà nước thu về thông qua cổ phần hóa. Vì vậy kiểm toán góp phần làm minh bạch công tác xử lý tài chính và xác định giá trị DN, giảm nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán đối với vấn đề nay, KTNN cần hướng tới mục đích đánh giá được hiệu quả sản xuất, kinh doanh hiện tại của các DN nói chung, DN sau cổ phần hóa nói riêng cũng như chiều hướng, tính bền vững của hoạt động kinh doanh trong dài hạn. KTNN nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa. Theo đó, thực hiện kiểm toán theo loại hình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để đánh giá toàn diện quá trình cổ phần hóa và có những ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách về việc cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa.
Khoản 10 Điều 55 Luật KTNN năm 2015 quy định: “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp”. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc để KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. |
Trân trọng cảm ơn ông!