Mô hình đào tạo 9+: Đi học có lương, ra trường đắt việc

Với định hướng phân luồng, tiếp nhận học sinh vừa tham gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN), vừa học văn hóa, mô hình đào tạo 9+ sẽ góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

img_0177.jpg
Mô hình 9+ phù hợp với điều kiện thực tế và mang lại lợi ích thiết thực cho người học, xã hội. Ảnh tư liệu

Người học ngày càng quan tâm

Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Gia Lai tiếp nhận khá đông học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học nghề. Riêng năm học 2021-2022, nhà trường tuyển trên 1.000 học sinh, trong đó có 50% tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đăng ký vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa theo “mô hình 9+”. Mô hình này đang được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.

ThS. Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai cho biết: Từ khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, học sinh tốt nghiệp THCS có quyền đăng ký thẳng hệ đào tạo cao đẳng thay vì phải học qua trung cấp. Xuất phát từ đặc thù địa phương, nhiều gia đình không có điều kiện cho con em học tập cao, song vẫn mong muốn con có cơ hội làm việc tốt hơn nên mô hình này đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc cho người học.

Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế - nơi có số lượng học sinh trung học phổ thông hệ 9+ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua thực hiện 5 năm, số lượng học sinh hệ 9+ tại trường tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 được 200 học sinh; năm 2018 được 300 học sinh; năm 2019 là 396 học sinh; năm 2020 tăng gần gấp đôi với 700 học sinh; 2 năm 2021 và 2022 có trên 800 học sinh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của khóa học sinh đầu tiên đạt 86%, vượt so với chỉ tiêu dự kiến 80% nhà trường đề ra. Thực tế cho thấy, học viên tốt nghiệp đào tạo từ mô hình này đều có kỹ năng tay nghề tốt, khả năng thích ứng cao, do đó rất được doanh nghiệp quan tâm tuyển dụng và đảm nhiệm nhiều vị trí công việc quan trọng. 

Còn theo lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, trong bối cảnh nhiều cử nhân thất nghiệp, việc người học đổ xô đi học đại học mà không xác định rõ tương lai nghề nghiệp sẽ là sự lãng phí rất lớn. Thay vào đó, người học có thể tham gia GDNN để tiết kiệm thời gian và đảm bảo cơ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở GDNN thường xuyên có những dự án liên kết cung cấp nguồn lao động cho công ty nước ngoài, các doanh nghiệp. Học viên có thể tham gia làm việc, thực tập tại các doanh nghiệp và nhận lương ngay từ khi còn đang học. 

Qua thực tế khảo sát của một số cơ sở GDNN khi thực hiện tư vấn đề nghề nghiệp, nhiều học sinh cho biết sẵn sàng theo học nghề, không nhất thiết phải vào học đại học ngay. Đặc biệt, tại các địa phương có công nghiệp phát triển, nhiều gia đình cũng từng bước thay đổi quan niệm khi định hướng cho con theo học nghề, thay vì học đại học kéo dài mà không tận dụng được thời gian “vàng”, đó là sức khỏe và kỹ năng thực hành để phát huy tối đa năng lực của bản thân, mang lại hiệu quả trong công việc.

Mô hình 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Ngay sau khi hoàn tất chương trình THCS, học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo 9+ tại các trường cao đẳng nghề, được học song song kiến thức để hoàn tất chương trình trung học phổ thông, đồng thời trau dồi kỹ năng thực hành nghề trong thời gian 3,5 năm.

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo

Qua đánh giá của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mô hình đào tạo 9+ là một mô hình có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam, vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào học GDNN, vừa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước.

hocnghetruongdienlanh02.jpg
Theo học chương trình 9+, người học vừa được học văn hóa phổ thông, vừa có bằng đào tạo nghề với thời gian đào tạo chỉ 3,5 năm. Ảnh tư liệu

Hiện, Bộ đang thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS với 10 ngành, nghề trọng điểm gồm: công nghệ thông tin, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch, diễn viên múa. Đây đều là những ngành nghề mà thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với định hướng phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Theo đó, ngành GDNN sẽ tập trung đầu tư toàn diện, chú trọng chất lượng của các ngành nghề đào tạo này.

Nói thêm về lợi ích của mô hình này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN đánh giá, mô hình này hiện đang được tổ chức hiệu quả, với nhiều phương thức đào tạo, liên kết, liên thông, mô hình đào tạo 9+, có thể rút ngắn thời gian học và sớm đi làm, tiết kiệm được nhiều thời gian. Điều quan trọng, theo TS. Vũ Xuân Hùng, đó là người học phải nỗ lực học tập tốt để đạt mục tiêu đề ra, từ đó có kỹ năng làm việc, đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường để mang lại lợi ích cho chính bản thân và gia đình.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, mô hình tiếp cận học nghề sớm sau khi học sinh kết thúc THCS được một số nước tiên tiến áp dụng và rất thành công như Đức, Nhật Bản... Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích như: giảm áp lực thi đại học, giúp người học định hướng và chọn hình thức học mang lại hiệu quả thiết thực; giải quyết được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, người học có thể học liên thông lên Cao đẳng (1 – 1,5 năm, tùy theo ngành học). Từ đó, có thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn nếu có nhu cầu. “Điều quan trọng là các trường cần phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, để người học thấy thuyết phục và thị trường đón nhận lao động sau đào tạo” – lãnh đạo Hiệp hội cho biết.

Về vấn đề điều chỉnh chương trình tổng thể phù hợp với học sinh trường nghề, một số cơ sở GDNN kiến nghị việc dạy văn hóa trong trường nghề cần có sự khác biệt, không nên dừng lại ở dạy lý thuyết bởi các môn GDNN cần có tính ứng dụng, gắn với kỹ năng nghề; chấp nhận sự tương đương giữa chương trình đào tạo các môn văn hóa trong trường nghề và chương trình văn hóa phổ thông../. 

Cùng chuyên mục
Mô hình đào tạo 9+: Đi học có lương, ra trường đắt việc