Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế phải gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

(BKTO) - Đây là vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây. Theo đó, việc đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đặc biệt là tuyến y tế cơ sở chính là một giải pháp hữu hiệu để người dân tin tưởng và chủ động tham gia BHYT.




Điều chỉnh chính sách tài chính y tế cơ sở

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, thời gian qua ngành y tế đã có một bước tiến dài trong lịch sử. Từ khi thực hiện chính sách BHYT, quá trình KCB, nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm phục vụ bệnh nhân đã tốt lên nhiều. Tuy nhiên, so với nhu cầu của xã hội, so với yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương thì chưa đáp ứng được mong muốn, ý chí của nhân dân. Chính vì vậy, một bộ phận người dân không muốn tham gia BHYT và cho rằng khi ốm mới đến các tuyến cơ sở y tế và không dùng BHYT có khi tốt hơn dùng BHYT.
                
   

Nâng cao chất lượng KCB sẽ thu hút người dân tích cực tham gia BHYT- Ảnh: ST

   

Thực tế hiện nay, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và Trung ương đã tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, điều làm cho người dân chưa thật sự tin tưởng vào công tác KCB BHYT là chất lượng KCB tại các tuyến y tế xã, phường, thị trấn chưa thực sự đạt hiệu quả tích cực, vẫn còn để xảy ra tình trạng vượt tuyến, quá tải bệnh viện tuyến trên. Điều này không đúng với tinh thần Nghị quyết của Trung ương là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Vì vậy, theo ông Lợi, cần điều chỉnh chính sách tài chính y tế và phải quan tâm đến tài chính y tế cơ sở để nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở. “Chúng tôi đi giám sát, đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đồng bào của chúng ta rất khó khăn, bệnh tật rất nặng, nhưng chuyển lên tuyến trên rất khó khăn, do giao thông, điều kiện, kinh phí, nguồn lực. Vì vậy chúng ta phải có cách thức để nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, bao gồm bệnh viện tuyến huyện, quận, trạm xá xã và phát triển mô hình y tế tư nhân, để xã hội hóa và người dân chúng ta phải được đảm bảo sức khỏe”- ông Lợi nói.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, định hướng phát triển cho y tế cơ sở đang là một trong những mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng là muc tiêu quyết liệt của ngành y tế và BHXH Việt Nam. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách được thay đổi trong định hướng hướng tới cơ sở. Trước hết về cơ chế tài chính, Nghị định 146/2018/NĐ- CP đã mở rộng về cơ chế tài chính để đủ nguồn lực cơ bản cho y tế xã, y tế huyện có thể đảm nhiệm được đúng chức năng nơi quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và người có thẻ BHYT nói riêng.

Đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chia sẻ về công tác bảo đảm quyền lợi KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam và ngành Y tế triển khai lập hồ sơ sức khỏe; đưa các bệnh mạn tính không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe để quản lý tại các trạm y tế xã, để những bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, trong đó có ung thư, đặc biệt là tăng huyết áp và tiểu đường sẽ được quản lý và điều trị ở tuyến cơ sở.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chúng ta phải đưa ngay các bệnh có tính chất mãn tính không lấy nhiễm, giao cho các trạm y tế cấp xã, cấp thuốc quản lý sức khoẻ để người dân không phải lên tuyến huyện. Cùng với đó, phải tính toán triển khai mô hình bác sĩ gia đình, bác sĩ đó hoàn toàn có quyền tư vấn, KCB, không phải lên tuyến y tế huyện. “Người dân hiện nay đang có ý kiến việc chuyển tuyến giữa tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tỉnh lên Trung ương rất khó khăn. Nếu có hệ thống bác sĩ gia đình sẽ giải quyết được bài toán này. Ngành BHXH và ngành y tế phải nghiên cứu vấn đề này rất khẩn trương để áp dụng mô hình này”- ông Lợi đề xuất.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, đảm bảo các trang thiết bị cơ bản cho trạm y tế xã, phường thì vấn đề quan trọng đặt ra là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế để đảm bảo chất lượng KCB, khiến người dân yên tâm khi đến KCB tại trạm y tế xã, phường. Ngành y tế và ngành BHXH cũng cần có những điều chỉnh để tạo thông thoáng cơ chế cải cách hành chính một cách tích cực hơn để tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong KCB BHYT.

NGUYÊN AN
Cùng chuyên mục
  • BHXH TP. Hà Nội: Bổ sung dữ liệu kê khai của người tham gia BHXH, BHYT
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện các Quyết định của BHXH Việt Nam về việc Ban hành Quy chế quản lý và cấp mã số BHXH cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) và Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN, nhằm cập nhật, bổ sung dữ liệu về thông tin cá nhân của người lao động, ngày 24/6/2019, BHXH TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 2493/BHXH-QLT về việc đối chiếu, bổ sung thông tin người lao động trên địa bàn thành phố.
  • Bưu điện và BHXH tỉnh An Giang  phối hợp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bưu điện tỉnh An Giang vừa đánh giá công tác phối hợp trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2019 với mục tiêu toàn tỉnh cần phát triển thêm 2.657 người tham gia BHXH tự nguyện.
  • Phát triển bền vững đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 25/6, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế”
  • Nam Định: Khó khăn trong công tác thu hồi nợ BHXH
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Nam Định vẫn còn diễn biến phức tạp, tính đến hết tháng 05/2019, tỷ lệ nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 233,603 tỷ đồng. Số nợ của các đơn vị khó thu như: các đơn vị phá sản, giải thể ... là 30,46 tỷ.
  • Tăng mức hỗ trợ đóng, mở rộng quyền lợi để thu hút người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến ngày 31/5/2019, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng.
Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế phải gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh