Kiểm toán viên KTNN khu vực IV làm việc tại hiện trường. Ảnh: Như Ý
Đúc rút kinh nghiệm quýtừ những kết quả kiểm toánnổi bật
Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực IV đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN, tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, giảm chi phí bồi thường, chi phí đầu tư xây dựng nhà tái định cư hàng trăm tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan.
Đơn vị cũng đã phát hiện nhiều sai phạm nổi bật liên quan đến BTGPMB. Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ và GPMB thu hồi đất để thực hiện các dự án đều chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả dự án, đời sống người dân và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đầu tư xây dựng khu tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất tại vị trí không thuận lợi, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, bồi thường cho các tổ chức thuê đất trả tiền hằng năm thuộc đối tượng không được bồi thường. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án công cộng dẫn tới bồi thường cho cả diện tích vi phạm quy hoạch. Áp đơn giá bồi thường sai vị trí, diện tích, đơn giá, khối lượng; không khấu trừ giá trị vật tư thu hồi khi xác định tổng chi phí bồi thường theo quy định.
Khấu trừ tiền BTGPMB của diện tích đất giao không thu tiền thuê đất, thu tiền thuê đất hằng năm vào tiền thuê đất của diện tích thuê phải nộp một lần không đúng quy định. Diện tích đất tính tiền bồi thường, hỗ trợ về đất không đúng thực tế, không đúng quyết định phê duyệt phương án bồi thường của cấp có thẩm quyền; sai về đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất khi thực hiện GPMB, khấu trừ các khoản hỗ trợ không thuộc nội dung được khấu trừ…
Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN khu vực IV đúc kết: để nâng cao chất lượng và hiệu quả nội dung kiểm toán trên, thay vì chỉ tập trung vào các báo cáo và tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, cần đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán. Việc đổi mới này được thực hiện theo hướng tập trung thu thập thông tin từ nhiều nguồn; kết hợp đánh giá nội dung tiềm ẩn rủi ro cao là các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; chọn mẫu hồ sơ kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro kết hợp với đánh giá tính khả thi theo 3 nguyên tắc: chọn hồ sơ của các tổ chức, DN thay vì cá nhân, hộ gia đình; các hồ sơ bồi thường, hỗ trợ liên quan đến nhiều giai đoạn chính sách khác nhau; sự thiếu nhất quán giữa các hồ sơ bồi thường, hỗ trợ.
Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm toán thông qua việc chú trọng, phân bổ nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, khuyến khích trao đổi, thảo luận trong tổ, đoàn kiểm toán đối với các phát hiện kiểm toán còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau; luôn tôn trọng các ý kiến mới, khác biệt của kiểm toán viên (KTV).
5 rủi ro, thách thức cần giải quyết
So với các nội dung khác trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, kiểm toán công tác BTGPMB được đánh giá là phức tạp, rủi ro cao nhất và cũng khó thực hiện nhất. 5 thách thức ảnh hưởng tới việc triển khai tổ chức công tác kiểm toán này:
Thứ nhất, mỗi dự án bồi thường đều có đặc thù riêng, do đó, công tác tổ chức thực hiện cũng khác nhau. Cùng với đó, trong một dự án, mỗi hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cũng không giống nhau nên việc dựa trên kinh nghiệm hoặc chọn mẫu kiểm toán thường khó khả thi. Rủi ro này liên quan đến tính đa dạng, đặc thù của dự án bồi thường, hồ sơ bồi thường. Đây là thách thức ảnh hưởng đến phương thức tổ chức kiểm toán (thời gian, nhân lực) và phương pháp kiểm toán (đối chiếu, xác minh).
Thứ hai, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thường được tạo lập trong quá khứ, biến động qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử nên việc xác định nguồn gốc đất và thời điểm hình thành tài sản rất khó khăn. Rủi ro này liên quan đến quá trình kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất của dự án, làm sai lệch hồ sơ, thay đổi hiện trạng đất để trục lợi tiền đền bù GPMB, buộc KTV phải tiến hành đối chiếu, xác minh, tốn nhiều thời gian, công sức.
Thứ ba, nhiều quy định còn chồng chéo dẫn tới rủi ro cao trong việc tuân thủ pháp luật. Đây cũng là thách thức liên quan đến năng lực, trình độ, kinh nghiệm của KTV và phương thức tổ chức kiểm toán.
Thứ tư, một số trường hợp pháp luật quy định về áp giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa rõ ràng, cụ thể khiến KTV không đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để đưa ra các ý kiến. Theo đó, KTV khó xác định được tài sản gắn liền với đất.
Thứ năm, hệ thống thông tin về đất đai chưa được xây dựng thống nhất, cập nhật, truy cập dễ dàng, công khai, minh bạch. Rủi ro này liên quan đến tính khả thi của các kết luận và kiến nghị kiểm toán, khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.
Để hạn chế rủi ro cũng như khắc phục khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán công tác BTGPMB, thời gian tới, KTNN nên mở rộng phạm vi và đổi mới phương thức kiểm toán theo 3 nội dung cốt lõi: đánh giá sự phù hợp của các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác BTGPMB; đánh giá việc tuân thủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cơ sở thu hồi đất và phê duyệt phương án BTGPMB; chuyển từ đối chiếu sang kiểm toán để xác nhận tính trung thực và hợp lý phương án BTGPMB đối với trường hợp chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.