Mộc Châu: Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

L.HÒA - P.TUÂN - H.THÀNH | 20/11/2023 16:39

(BKTO) - Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, thời gian qua, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và đem lại những kết quả tích cực.

che-moc-chau.jpg
Huyện Mộc Châu sẽ hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H. THÀNH

Những kết quả tích cực

Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp được huyện quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đem lại kết quả tích cực.

Theo báo cáo của huyện Mộc Châu, tính đến hết tháng 10/2023, toàn huyện có khoảng 300 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 480ha cây trồng; 36 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới với diện tích gần 46ha; có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số; 24 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam) trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 380ha.

Đến nay, Mộc Châu có hơn 1.670 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.300ha; 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, Vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, HTX rau an toàn Tự nhiên (bản Tự Nhiên, xã Đông Sang) đã có 32 sản phẩm rau sạch được cấp chứng nhận VietGap cung cấp ra thị trường. Ngoài địa phương, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội với nhiều loại rau đặc sản như: Cải mèo, cà chua, bắp cải... với sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn/năm, doanh thu bình quân 8-11 tỷ đồng/năm.

Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mua máy móc chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu và in ấn bao bì sản phẩm; kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm Mận hậu Mộc Châu qua các sàn thương mại điện tử, như: Sendo, Postmall, MiaFnut, Ecovi.

Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Huyện Mộc Châu đã tiến hành khảo sát các cơ sở đăng ký năm 2023, có 3 chủ thể với 5 sản phẩm đăng ký. Đến nay, huyện có 30 sản phẩm OCOP, trong đó, 8 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao...

Từng bước xây dựng Mộc Châu trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao

Theo lãnh đạo huyện Mộc Châu, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại những kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động sáng kiến, quản lý nhãn hiệu trên địa bàn. Tiếp tục kết nối, hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, HTX, hộ kinh doanh và người nông dân tham gia phát triển kinh tế số, ứng dụng số, kỹ năng số cho người dân và DN từng bước tham gia ứng dụng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm đặc trưng và tiềm năng của huyện.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm, quản lý công nghệ tưới thông minh 4.0, nhà lưới nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó: Diện tích tưới tiết kiệm, quản lý công nghệ tưới thông minh 4.0 tăng thêm 20ha; diện tích nhà lưới, nhà kính tăng thêm 3ha; phấn đấu giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 80 triệu đồng.

Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình OCOP, chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu trong năm 2023, tổ chức khảo sát, lựa chọn, hướng dẫn xây dựng ít nhất 10 điểm thực hiện sản xuất hữu cơ; cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho ít nhất 1 cơ sở; hỗ trợ, giúp đỡ cấp ít nhất 2 chứng nhận mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo huyện Mộc Châu cũng cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đạt theo Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.

Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất; ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng bền vững. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và tuân thủ các quy trình, kỹ thuật, tiêu chuẩn, từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các nguồn lực hỗ trợ các vùng ứng dụng công nghệ cao, các điểm sản xuất hữu cơ. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất trồng trọt. Phấn đấu đến năm 2024, tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ lên trên 37%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 56% trong tổng sản phẩm sử dụng.

Mặt khác, Mộc Châu cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận; tiếp tục thực hiện xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa nông sản chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn đảm bảo ổn định và bền vững; tăng cường hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.../.

Cùng chuyên mục
Mộc Châu: Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao