Tăng cường quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế

(BKTO) - Theo đúc kết của các nhà quản lý, việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội.

untitled.png
Một khu công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ST

Chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT cần phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KCN, KKT với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị chưa cao.

Cùng với đó, loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới. KCN hiện tại vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. KKT ven biển chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của địa phương.

Thêm nữa là hàng loạt các vấn đề như: chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT và giữa các khu với nhau còn hạn chế; vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT chưa thực sự được quan tâm.

Việc xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tại địa bàn tập trung nhiều KCN, sử dụng nhiều lao động di cư.

Hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT còn thấp bởi khả năng cân đối từ ngân sách trung ương có hạn. Tổ chức đầu mối quản lý nhà nước chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Minh chứng cụ thể cho những vấn đề này cũng được thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận giai đoạn 2020-2022.

Kết quả kiểm toán cho thấy, về công tác quản lý, tại tỉnh Khánh Hòa, có 05 dự án tại các KKT, KCN và 02 dự án tại CCN chậm quyết toán, dù các dự án đã hoàn thành từ nhiều năm. Có 04 dự án khu tái định cư chưa phát huy hiệu quả theo mục tiêu đầu tư dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Còn tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 02 CCN khi chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 01 CCN được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi thành lập CCN.

Tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Phú Yên đều có tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, trong khi vấn đề này chưa được Chính phủ quy định tại các Nghị định.

Tỉnh Phú Yên có 01 dự án đã cho thuê đất khi chưa thực hiện xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và 01 dự án đã cho thuê đất khi chưa đủ điều kiện để thành lập KCN; 01 dự án chưa được cho thuê lại đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.

kkt-vp.jpg
Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TS

Ngoài ra, có 29 dự án trong các KCN được chấp thuận vị trí thực hiện dự án và cho thuê lại đất không phù hợp giữa ngành nghề sản xuất, kinh doanh với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.

Qua hàng loạt những vấn đề bất cập này, KTNN nhấn mạnh, cần phải khắc phục, chấn chỉnh kịp thời để các KCN, KKT phát triển theo đúng mục tiêu, đúng pháp luật, qua đó góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế