Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

(BKTO) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì trong năm 2023. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại không ít quy định pháp luật bất cập, không phù hợp, gây khó cho hoạt động của DN, đòi hỏi cần tiếp tục tháo gỡ.

san-xuat.jpg
Cộng đồng DN mong muốn có một môi trường kinh doanh thông thoáng để phát triển. Ảnh minh họa: S.T

Hai màu “sáng, tối” trong bức tranh môi trường kinh doanh

Nhìn lại hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật trong năm 2023, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cụ thể, các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, xây dựng các phương án để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho DN theo yêu cầu tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Năm 2023, VCCI đã tập hợp và gửi tới các cơ quan hữu quan gần 100 vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành gây tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, liên quan đến nhiều vấn đề như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng…

Theo đó, cơ quan nhà nước đã nghiên cứu, xem xét và có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, thông qua việc sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành như: sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy, đề xuất sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết…

“Mặc dù một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và DN, nhưng việc các cơ quan nhà nước tiếp nhận và tìm cách xử lý các vướng mắc của DN cho thấy tinh thần cầu thị của các cơ quan soạn thảo chính sách. Cộng đồng DN rất hoan nghênh các nỗ lực này” - ông Công nói.

Năm 2023, có 16 luật, 98 nghị định, 33 quyết định, 510 thông tư được ban hành. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành tương đương so với năm 2022.

Bên cạnh những điểm tích cực, lãnh đạo VCCI cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại không ít rào cản, tạo rủi ro cho DN.

Đơn cử như chính sách quản lý xăng dầu. Hiện tại, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu DN xăng đầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, phải nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà DN bán lẻ xăng dầu được nhập… Hay như thủ tục trong lĩnh vực quản lý giá, hiện Nhà nước yêu cầu DN phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá... Các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến DN khi có những biến động trên thị trường.

Đặc biệt, một vấn đề đáng quan ngại nữa, theo ông Công đó là chất lượng của việc xây dựng các chính sách, nhất là những chính sách mới còn hạn chế, chẳng hạn như các chính sách về chuyển đổi xanh.

Ông Công cho biết, trước yêu cầu bức thiết về chuyển đổi xanh, thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật dành cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, do là những chính sách mới nên nhiều chính sách được xây dựng còn chung chung, không cụ thể, khiến doanh nghiệp băn khoăn về hiệu quả của chính sách khi triển khai thực thi trên thực tế. Đơn cử như, quy định liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; sự chồng lấn về quản lý khiến DN phải gia tăng nghĩa vụ thực hiện các quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng...

Chậm tháo gỡ vướng mắc, doanh nghiệp khó tuân thủ

Từ thực tế môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản; vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật chậm được tháo gỡ, chia sẻ tại Hội thảo công bố “Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023”, ông Bạch Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y cho rằng, hệ lụy kéo theo đó là khiến DN khó tuân thủ đúng quy định pháp luật.

20240425_085809.jpg
Quang cảnh Hội thảo công bố “Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023” do VCCI tổ chức ngày 25/4. Ảnh: D.T

Lấy ví dụ từ ngành hàng sản xuất thuốc thú y, ông Thắng cho biết, một trong những quy định pháp luật rất bất cập mà Hiệp hội đã phản ánh, kiến nghị trong thời gian dài đó là quy định về hợp quy thuốc thú y.

Theo ông Thắng, quy định về hợp quy thuốc thú y đang trùng lặp với quy định về việc kiểm nghiệm khi đăng ký lưu hành. Đồng thời, đối chiếu với các trường hợp tương tự cho thấy, các sản phẩm thuốc dành cho người hay thực phẩm chức năng và thực phẩm khác dành cho người chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành, không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu, các nước trong khu vực Đông Nam Á… cũng không có quy định yêu cầu phải hợp quy thuốc thú y…

“Chúng tôi đã kiến nghị 3 - 4 năm qua, nhiều cuộc làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành, Văn phòng Chính phủ…, đều nhận được sự đồng thuận là không cần quy định về hợp quy đối với thuốc thú y. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vướng mắc trên” - ông Thắng bày tỏ.

Điều này khiến các DN trong ngành đang phải đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là, DN tuân thủ pháp luật, DN hoàn thành thủ tục hợp quy mới bán hàng. Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện cả nước có khoảng 20.000 sản phẩm, để tiến hành lấy mẫu, nộp hồ sơ và chờ kết quả sẽ mất nhiều tháng. Như vậy, trong thời gian này, trên thị trường không có thuốc thú y để phòng trị bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của đàn vật nuôi trong cả nước, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Hai là, DN không tuân thủ pháp luật, DN tiếp tục bán thuốc, vắc-xin thú y để đảm bảo nguồn cung cấp trong phòng trị bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, DN sẽ đứng trước nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt có thể lên đến hàng tỷ đồng với các DN có nhiều sản phẩm.

“Thực tế đáng buồn là không ít DN trong ngành đã phải lựa chọn phương án thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật để có thể tiếp tục hoạt động” - ông Thắng nói.

Cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng chậm ban hành văn bản quy định pháp luật, ông Nguyễn Hồng Uy - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, nhưng đến hiện tại quy định về định mức tái chế (Fs) vẫn chưa được ban hành, nên DN không thể tính được mức phí phải nộp. Điều này sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc tính toán cân đối nguồn tài chính để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…

Với những rào cản của môi trường kinh doanh và những hệ lụy đối với DN đã, đang được nhận diện, các DN, hiệp hội DN trong nhiều ngành hàng bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, loại bỏ những quy định pháp luật bất cập, không phù hợp, gây khó cho hoạt động của DN, theo tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ. Điều này không chỉ “tiếp sức” cho DN trong quá trình phục hồi, mà còn nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2023, VCCI đưa ra 362 ý kiến góp ý đối với 63 văn bản quy phạm pháp luật, trung bình mỗi văn bản có 6 đề xuất, kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo. Tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ, ngành là 53,87% (195/362 ý kiến), cao hơn so với tỷ lệ tiếp thu của năm 2022 (47,73%).

Cùng chuyên mục
Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”