Năm 2018 ưu tiên tập trung kiểm toán các chủ trương, chính sách lớn

(BKTO) - Ngày 04/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1785/QĐ-KTNN ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2018. Theo Kế hoạch, năm 2018 KTNN sẽ thực hiện 205 cuộc kiểm toán, trong đó tập trung ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, với nhiều vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm.



Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán

Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2018 được ban hành là kết quả của một quá trình xây dựng công phu, nghiêm túc của KTNN. Theo đó, KHKT được xây dựng đúng theo Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của KTNN.Các định hướng, nguyên tắc và danh mục đầu mối của KHKT năm 2018 được xây dựng trên cơ sở các Nghị quyết về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; những định hướng chung về ngân sách năm 2017 và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

KHKT cũng được xây dựng trên tinh thần cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp. KHKT đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; được gửi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức một buổi làm việc về kế hoạch thanh tra, kiểm toán năm 2018.

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015 - 2017 tại một số Bộ, ngành sẽ là một chuyên đề kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán 2018. Ảnh: TL

Hai bên đã cùng nhau rà soát danh mục, đầu mối thanh tra, kiểm toán nhằm thống nhất về phạm vi, đối tượng, nội dung của từng cuộc thanh tra, kiểm toán để tránh sự trùng lắp. Sau đó, KHKT được gửi xin ý kiến và tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội trước khi Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành.

Trong xây dựng KHKT, KTNN luôn bám sát nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tính khả thi, hợp lý, phù hợp với quỹ thời gian, nguồn nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất của KTNN; kết hợp hài hòa KHKT với kế hoạch công tác, đặc biệt là kế hoạch đào tạo, kế hoạch tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Trong đó, số lượng cuộc kiểm toán trong năm 2018 không lớn hơn KHKT năm 2017, nhằm tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao năng lực kiểm toán, năm 2018, KTNN tập trung kiểm toán ngân sách năm 2017 của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2017 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội. Vì thế đầu mối kiểm toán ngân sách địa phương và Bộ, ngành tăng lên so với năm 2017.

Cùng với kiểm toán ngân sách, KTNN xác định, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015; các Nghị quyết, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội thông qua. Vì vậy hoạt động kiểm toán của KTNN ưu tiên tập trung kiểm toán các chủ trương, chính sách lớn, nổi bật như: việc quản lý, điều hành NSNN theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công; các chủ trương, nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại NSNN; Kế hoạch Đầu tư công trung hạn…

Nhiều vấn đề “nóng” nằm trong danh mục kiểm toán

Với định hướng trên, năm 2018, KTNN sẽ thực hiện 205 cuộc kiểm toán (giảm 11 cuộc kiểm toán so với năm 2017). Trong đó, KTNN sẽ thực hiện 67 cuộc kiểm toán lĩnh vực NSNN; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 23 cuộc kiểm toán chuyên đề; 50 cuộc kiểm toán dự án đầu tư; 34 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính - ngân hàng; 22 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cơ quan đảng.

Đối với lĩnh vực NSNN, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, KTNN sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 của 17 Bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán ngân sách địa phương của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (năm 2017 kiểm toán 13 Bộ, cơ quan trung ương và 47 tỉnh, thành phố); kiểm toán việc hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 Cục Thuế địa phương.

Các cuộc kiểm toán tại tỉnh, thành phố tập trung kiểm toán việc quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách các địa phương, đặc biệt là công tác điều hành thu, chi đầu tư công và chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Tại các Bộ, cơ quan trung ương tập trung đánh giá công tác quản lý, điều hành thu, chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển.

Trong lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, năm 2018, KTNN thực hiện 2 cuộc kiểm toán có phạm vi rộng. Đó là, kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế nhằm đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi của Chính phủ và các địa phương đối với các DN đầu tư hoạt động trong các khu kinh tế; Kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015 - 2017 tại một số Bộ, ngành nhằm tập trung đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Cùng với đó, một số vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm như: quản lý nợ công; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; công tác quản lý, sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản; hiệu quả quản lý vốn nhà nước, hiệu quả đầu tư trong các tập đoàn, tổng công ty, các quỹ đầu tư phát triển; quản lý, sử dụng nguồn thu sổ số kiến thiết tại một số địa phương…và 5 chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cũng nằm trong danh mục kiểm toán chuyên đề năm 2018.

Các cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án trong KHKT năm 2018 ưu tiên kiểm toán nhiều dự án giao thông lớn được dư luận quan tâm; các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BT, BOT; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trong lĩnh vực DN và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ tập trung kiểm toán hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại toàn diện đối với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là việc cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ…trong đó tập trung kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ và UBND các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, để từng bước phát triển loại hình kiểm toán hoạt động, năm 2018, KTNN tiếp tục lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện và kiểm toán về các hoạt động, chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN. Quy mô của các cuộc kiểm toán được xây dựng một cách hợp lý nhằm tổ chức đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
         
Năm 2018, KTNN sẽ thực hiện 205 cuộc kiểm toán. Trong đó, KTNN sẽ thực hiện 67 cuộc kiểm toán lĩnh vực NSNN; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 23 cuộc kiểm toán chuyên đề; 50 cuộc kiểm toán dự án đầu tư; 34 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính - ngân hàng; 22 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cơ quan đảng

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Những vấn đề cần lưu ý  khi ngân hàng thương mại tài trợ cho các dự án BT
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - ​Tại Việt Nam gần đây, các dự án BT đang có sự tăng cường trở lại. Theo quy định về nguồn vốn thực hiện hình thức đầu tư này, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia tối thiểu phải là 15% đối với các dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở xuống và 10% đối với phần chênh vượt trên 1.500 tỷ đồng. Vốn huy động khác gồm vốn đầu tư của Nhà nước tham gia hoặc nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. Vốn đầu tư của Nhà nước bao gồm vốn từ NSNN, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
  • Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa: Nỗ lực tiết kiệm chi phí  nhưng vẫn quá nhiều sai sót
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa (gọi tắt là Dự án) do Sở GTVT Thanh Hóa làm Chủ đầu tư, bao gồm 3 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 dài 36,4 km từ Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn) đến nút giao thông tuyến tránh TP. Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 2.170 tỷ đồng; Tiểu dự án 2 từ đoạn cầu Ba Gian đến nút giao tuyến tránh TP. Thanh Hóa và Đại lộ Lê Lợi với tổng mức đầu tư hơn 2.403 tỷ đồng; Tiểu dự án 3 thực hiện chỉnh trang Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Thanh Hóa. Với quy mô đầu tư dự án nhóm A và có yêu cầu cao về kỹ thuật, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, Ban QLDA Giao thông I Thanh Hóa, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm toán, KTNN vẫn phát hiện nhiều sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu… Đặc biệt, KTNN đã chỉ rõ vấn đề chất lượng công trình không đảm bảo và đề nghị các đơn vị liên quan nhanh...
  • Lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh - khởi nguồn của những bất cập
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian gần đây, đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) đã góp phần đa dạng hóa hình thức đầu tư công, thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hình thức này đã có những biến tướng, tạo dư luận không mấy tốt đẹp so với bản chất của nó. Một trong những yếu tố gây nên tình trạng tiêu cực đó chính là công tác đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu.
  • Từ kết quả kiểm toán 21 dự án  đầu tư theo hình thức BT
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tế hiện nay, phương thức đầu tư BT là một chủ trương phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta, đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán của KTNN đối với 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT đã cho thấy, cơ chế, chính sách cũng như thực tế triển khai các dự án này còn nhiều bất cập và hạn chế.
Năm 2018 ưu tiên tập trung kiểm toán các chủ trương, chính sách lớn