Năm 2020, kinh tế Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Ảnh: V.Hoàng
Kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô
Từ nhiều tháng trước khi kết thúc năm 2020, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến khó lường, tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, rất nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế lớn đều phải đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Nêu bật thành công lớn của Việt Nam khi đạt tăng trưởng 2,91%, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh, tình hình trong nước cũng hết sức khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ, cả nước đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là thành công lớn của Việt Nam khi mục tiêu quan trọng nhất được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định ngay từ đầu đại dịch Covid-19 là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phòng chống suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Phân định rõ đóng góp của các lĩnh vực vào tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
Đặt kết quả này trong bối cảnh thực trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương còn chỉ rõ, tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân. Kết quả đạt được cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng DN.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28; bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR đạt 7,04.
Cần vững vàng, tiếp tụcvượt khó khăn, thách thức
Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp quý IV/2020 khởi sắc với giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 3,36%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Cũng trong bối cảnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong nước tuy bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập khẩu ghi nhận những nỗ lực vượt bậc với tổng kim ngạch đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD - đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải… Đối với Việt Nam, tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế.
Để vượt qua thách thức trên chặng đường phía trước, theo khuyến nghị của bà Nguyễn Thị Hương, bên cạnh việc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN thì Chính phủ và các Bộ, ngành cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá cần được điều hành linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần có sự phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Qua đó giúp kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
QUỲNH ANH