Ảnh minh họa |
Theo Báo cáo, việc phát triển và sản xuất nhiều loại vaccine đã làm gia tăng sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế lâu dài hơn. Theo đó, Báo cáo ARTA đã dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ ở mức 4,4% trong năm 2022 và 3,4% vào năm 2023.
Trong năm 2020, các nền kinh tế thành viên APEC đã sụt giảm 1,9%, ít hơn so với dự báo trong Báo cáo ARTA tháng 5/2020 (giảm 2,7%). Các biện pháp tài khóa hữu hiệu được thực hiện đã thúc đẩy chi tiêu công và cải thiện đầu tư cũng như tiêu dùng hộ gia đình.
Trong đó, tiêu dùng hộ gia đình - động lực tăng trưởng chính của APEC, đã được cải thiện đáng kể khi chỉ giảm 3,9% trong nửa cuối năm 2020, sau khi giảm 7% trong nửa đầu năm. Xu hướng đầu tư cũng khả quan hơn với mức giảm 6,1% trong nửa cuối năm 2020, sau khi giảm 10,5% trong nửa đầu năm.
Các chính phủ thành viên APEC đã rút ra những bài học để kiểm soát đại dịch hiệu quả hơn, đồng thời người dân cũng đã thích nghi với những phương thức làm việc mới. Điều này đã dẫn đến việc từng bước nối lại các hoạt động kinh tế, giúp thúc đẩy tiêu dùng.
TS. Denis Hew - Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC - nhận định: Đà phục hồi kinh tế đã mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2020 và sẽ tiếp tục trong suốt năm 2021. Tuy nhiên, APEC vẫn phải đối mặt với những bất ổn do diễn biến khó lường của dịch, vấn đề mất việc làm do đại dịch và khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2021 sẽ kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, kịch bản tái mở cửa nền kinh tế theo kiểu “bắt đầu - dừng lại” do các đợt bùng phát mới có thể kìm hãm hoạt động đầu tư.
Báo cáo ARTA cũng đưa ra cảnh báo rằng, sự phục hồi sẽ không đồng đều trong khu vực. Mặc dù các nền kinh tế thành viên APEC có thể triển khai tiêm chủng rộng rãi từ giữa năm 2022, thậm chí một số nước thực hiện điều này từ năm 2021, nhưng sự thiếu bình đẳng trong tiếp cận vaccine sẽ làm trầm trọng thêm sự phân hóa về tốc độ và mức độ phục hồi kinh tế./.
THÙY LÊ