Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh điều hành phiên thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Chiều 7/12, Kỳ họp thứ 23 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ IX tiến hành thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
Năm 2021 - năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản nhất trí với Tờ trình báo cáo tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, xác định chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư."
Các đại biểu cũng nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 với dự kiến 20 chỉ tiêu tăng trưởng, trong đó phấn đấu chỉ tiêu kinh tế về tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt khoảng 6%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm.
Theo đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, từ thực tiễn tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của năm 2020 và sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, sự đoàn kết của người dân thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 6% GRDP trong năm 2021.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho sự ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức cao; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp của Thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Giải trình với các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do COVID-19, Thành phố tuy chưa đạt được một số chỉ tiêu mục tiêu đề ra ban đầu, nhưng vẫn nhưng vẫn đạt tăng trưởng dương, đóng góp tích cực vào kết quả chung của kinh tế đất nước.
Thành phố xác định, tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đà tăng trưởng ổn định, đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới; đồng thời lập kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ khoảng 4.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, trong đó hoạt động hỗ trợ, kích cầu phát triển du lịch khoảng 1.000 tỷ đồng.
Về vấn đề tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn chưa cao như đăng ký ban đầu, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt là ảnh hưởng từ việc giải ngân vốn ODA vay lại và cấp phát trong năm 2020 đạt tiến độ chậm vì những khó khăn do nhiều lý do như thời gian điều chỉnh nội dung dự án bị kéo dài, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đến các đối tác nước ngoài, các vấn đề tồn đọng trong giải ngân nguồn vốn chưa được giải quyết…
Tuy nhiên, Thành phố cũng đã xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề giải ngân đầu tư công là nguồn lực kích thích phát triển, nên luôn quan tâm, tổ chức các hội nghị lắng nghe vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nhằm tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng
Trả lời ý kiến của các đại biểu liên quan đến dự án cầu đường Bình Tiên (Quận 8), ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, chia sẻ sự búc xúc của người dân về tiến độ của dự án này.
Theo ông Võ Văn Hoan, dự án cầu đường Bình Tiên đã triển khai từ 10 năm trước theo phương thức đầu tư BT, nhưng nhiều năm qua không có tiến triển về tiến độ. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát các dự án chậm tiến độ, kết luận dự án cầu đường Bình Tiên không đủ điều kiện chuyển đổi phương thức đầu tư dự án và thống nhất chuyển sang hình thức đầu tư công.
Để dự án có hiệu quả, cần nghiên cứu đầu tư làm lại hệ thống đường trục, vì vậy Thành phố rất cần sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường qua khu dân cư vào dự án. Sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất cho tuyến cầu đường Bình Tiên.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận về tiến độ triển khai dự án giao thông và y tế trên địa bàn Thành phố. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Về việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 23 của Thành ủy Thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, ông Võ Văn Hoan cho biết, quá trình triển khai Chỉ thị 23 đã góp phần tạo sự tiến bộ tích cực trong ý thức người dân về chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; đồng thời hạn chế được tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật trong các lĩnh vực này.Thời gian tới, Thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật và triển khai các phương thức vận hành cơ chế quản lý tốt hơn trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đất đai cố tình vi phạm; đồng thời, có cơ chế phát triển thị trường nhà ở cho người dâi...
Trả lời đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung về việc mở rộng thí điểm cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, phục vụ hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết đây là vấn đề nhạy cảm, cần được thực hiện chặt chẽ, đúng mục đích để tránh sự lợi dụng, biến tướng trong sử dụng đất nông nghiệp. Thành phố sẽ tiến hành triển làm điểm tại ba huyện trong ba năm để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đề nghị bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp quy liên quan.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đóng góp ý kiến đề nghị thành phố cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hiệu lực cải cách hành chính, hiệu quả quản trị hành chính công; nâng cao hiệu quả các dự án thoát nước đô thị; đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm về giao thông, y tế; hoạt động hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường; đảm bảo tỷ lệ số học sinh trong mỗi lớp học tại các khu vực dân cư đông…/.
Theovietnamplus.vn