Năm 2022: BIDV giữ vững vị thế quán quân về tổng tài sản

Đến hết ngày 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

bidv.jpg
Các đơn vị BIDV nhận Cờ thi đua của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BIDV

Theo báo cáo của BIDV tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023, đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021. BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, tiếp tục giữ vững vị thế ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo: Tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 0,95%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư số 41/2016/ TT-NHNN.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại BIDV; nộp ngân sách nhà nước hơn 6.600 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động.

Giá trị cổ phiếu BIDV tăng gần 4% so với đầu năm trong bối cảnh VN-Index sụt giảm gần 34%; vốn hóa của BIDV đạt hơn 8,1 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn thị trường.

Hoạt động của Khối các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của Khối trong năm 2022 đạt gần 1.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BIDV còn phát huy vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước lớn, chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng...

Năm 2023, với phương châm hành động “Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi hoạt động”, BIDV quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với các chỉ tiêu chính: Dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 12 - 13%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ở mức ≤1,4%...

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, BIDV quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 như: Chuyển đổi toàn diện hoạt động của hệ thống gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động...

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng tài sản...; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng điểm, tập trung gia tăng quy mô, giá trị giao dịch từ các dịch vụ ngân hàng số...

Nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực quản lý rủi ro. Tập trung triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hệ số CAR.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chiến lược và Phương án cơ cấu lại BIDV giai đoạn 2021-2025…/.

Cùng chuyên mục
Năm 2022: BIDV giữ vững vị thế quán quân về tổng tài sản