Năm 2023, Kiên Giang có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới

(BKTO) - Trong năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch về số lượng, bằng 66% và giảm 37% số vốn đăng ký so với năm 2022. Lũy kế toàn tỉnh có 11.971 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký khoảng 207.980 tỷ đồng.

kgo_20221116.jpg
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt kế hoạch năm 2023 nhưng vốn đăng ký giảm so với năm 2022. Ảnh minh họa: baokiengiang.vn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu. Mặt khác, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nguyên vật liệu khan hiếm, nhất là nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản.

Doanh thu của phần lớn các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đạt dưới 50% kế hoạch và giảm so cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kế hoạch năm nhưng vốn đăng ký chỉ bằng 66%, doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 12%, doanh nghiệp tạm ngưng tăng 10% so với năm 2022.

Ngoài ra, tình hình bất ổn của chính trị thế giới đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tăng chi phí logistics… tác động trực tiếp, bất lợi đến sản xuất, chế biến xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Châu Âu và một số nước gặp nhiều khó khăn do các rào kỹ thuật và thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn theo phương châm “Sớm nhất, hiệu quả nhất”.

Hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm chủ động thích ứng với tình hình, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh… Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh đạt gần 49.500 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 11,1% so với năm 2022.

Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.

Theo đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, dự án đầu tư đã được cấp phép chưa triển khai…; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời, tập trung khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dang họa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, nhà cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, ứng phó với các rào cản thương mại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng chuyên mục
Năm 2023, Kiên Giang có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới