Năm 2023: Vốn tín dụng chính sách tăng 17% so với năm 2022

(BKTO) - Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2023 đạt trên 346.000 tỷ đồng, tăng hơn 49.000 tỷ đồng, tương đương 17% so với năm 2022.

ngan-hang-chinh-sach.jpg
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2023 đạt trên 346.000 tỷ đồng. Ảnh: NHCSXH

Ngày 06/01, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2023 đạt trên 346.000 tỷ đồng, tăng hơn 49.000 tỷ đồng, tương đương 17% so với năm 2022; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 39.174 tỷ đồng, tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2022, một số chi nhánh có số tuyệt đối nguồn vốn nhận ủy thác tăng cao, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc...

Riêng dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến hết năm 2023 đạt 38.400 tỷ đồng, với 615.600 lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao trong 02 năm 2022 - 2023.

NHCSXH đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỷ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022 - 2023 là 2.995,2 tỷ đồng.

Trong năm 2023, tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng, với hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 332.000 tỷ đồng, với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790.000 lao động, trong đó giúp gần 8.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.000 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2024, NHCSXH tiếp tục tham mưu Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg, ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, theo đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống./.

Cùng chuyên mục
Năm 2023: Vốn tín dụng chính sách tăng 17% so với năm 2022