Năm 2024, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị gì với Chính phủ?

(BKTO) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, lãnh đạo Agribank, BIDV, VietinBank, MB… đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi theo hướng rút gọn các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư; luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu; sớm ban hành ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số cho hoạt động tài chính ngân hàng…

banker.png
Lãnh đạo các ngân hàng BIDV, MB, Agribank, Vietinbank (từ trái sang và trên xuống), phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo một số ngân hàng dự báo hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục gặp khó khăn.

Thúc đẩy tổng cầu, xây dựng nền tảng pháp lý đồng bộ cho chuyển đổi số

Vì vậy, để hỗ trợ cho tăng trưởng, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khóa, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. 

"VietinBank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để: (i) sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; (ii) UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân".

Ông Trần Bình Minh - Chủ tịch HĐQT VietinBank

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững.

Ông Lưu Trung Thái cho biết trong năm 2023, MB đã triển khai nhiều giải pháp phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế, hoàn thành kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao. Đến nay, MB đã hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc để báo cáo Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ phê duyệt chính thức Đề án.

Chuyển đổi số là một trong những điểm sáng của ngành ngân hàng trong những năm qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng để thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng…).

Ông Phan Đức Tú nhận định Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 sẽ tạo ra xung lực rất lớn đẩy mạnh giao dịch số. Do đó, Chủ tịch BDIV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm ban hành các quy định, hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt) tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Sớm có cơ chế cấp bù lãi suất cho các gói tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. Đây là thách thức mới ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

“Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù”, ông Phạm Đức Ấn cho biết.

Ngoài ra, Chủ tịch Agribank cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá Agribank.

“Theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hóa chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài. Mặc dầu rất cố gắng nhưng trong năm 2023 cũng chỉ xử lý được 12 bất động sản, hiện còn 29 bất động sản/2.174 bất động sản vẫn chưa giải quyết được. Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 bất động sản còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hoá. Agribank đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này, mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực”, ông Phạm Đức Ấn đề xuất.

Đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để: (i) sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; (ii) UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, VietinBank đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42, để tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, để đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau.

Đồng thời, các cơ quan tòa án, thi hành án cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

VietinBank cũng kiến nghị cơ chế tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước khác.

Theo ông Trần Minh bình, hiện tại, VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, VietinBank đề xuất: (i) các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; (ii) phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng./.

Cùng chuyên mục
Năm 2024, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị gì với Chính phủ?