Năm 2024: Phấn đấu có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới

(BKTO) - Năm 2023, ngân sách trung ương đầu tư phát triển cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Phước trên 149 tỷ đồng, vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với số tiền gần 84 tỷ đồng. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phân bổ trên 20.000 tấn xi măng theo nhu cầu thực tế của các địa phương để làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù.

bp192.jpeg
Một góc khu dân cư kiểu mẫu Ấp 4, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bình Phước

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bình Phước có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 84,8% kế hoạch; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến Quý I năm 2024 có thêm 6 xã có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 72,9% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 2 huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đưa 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm này, huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành đang hoàn thiện hồ sơ gửi Trung ương thẩm định, huyện Lộc Ninh đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình các sở, ban, ngành của tỉnh thẩm tra.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình tại Bình Phước vẫn còn một số hạn chế như kết quả giải ngân nguồn vốn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn công tác lập kế hoạch, giao kế hoạch và quản lý sử dụng nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương còn chậm, dẫn đến quá trình chuẩn bị đầu tư, tạm ứng, thi công, nghiệm thu, thanh toán chậm tiến độ.

Việc triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế đặc thù chậm so với kế hoạch là do nguồn xi măng phân bổ chậm, phân bổ vào mùa mưa nên các địa phương khó triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế đặc thù nói chung và giao thông nông thôn nói riêng phải đảm bảo quy định liên quan đến quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất nên công tác chấp thuận chủ trương, duyệt dự toán, giao vốn phải được cân nhắc kỹ…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh khẩn trương khắc phục khó khăn liên quan đến việc giao vốn chậm, cũng như các vướng mắc khác đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật.

Chủ tịch Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Cách đây hơn 10 năm, Bình Phước có xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước, thế nhưng đến nay kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới của tỉnh phần nào còn khiêm tốn. Do đó, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải trăn trở, trả lời được câu hỏi phải làm gì để tạo chuyển biến tích cực, nâng chất trong xây dựng nông thôn mới.

Bình Phước đặt mục tiêu năm 2024, phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lũy kế toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bình quân toàn tỉnh đạt 18,95/19 tiêu chí (bộ tiêu chí đạt chuẩn).

Huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ huyện Lộc Ninh, Phú Riềng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trình trung ương thẩm định.

Tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao từ năm 2023 trở về trước./.

Cùng chuyên mục
Năm 2024: Phấn đấu có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới