Một cây xăng đã có thời gian tạm ngừng kinh doanh. Ảnh: Báo Thanh niên |
Doanh nghiệp xăng dầu gặp nhiều khó khăn
Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước, báo cáo của nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, còn có nguyên nhân là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, nhất là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam do các nhà cung cấp nước ngoài đã điều chỉnh mức phụ phí thị trường lên rất cao.
Báo cáo của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam gửi tới Bộ Công Thương cũng nêu, một số DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Tình hình này khiến nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ. Thêm vào đó, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu do chậm nộp thuế, chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử…
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký Công văn số 6436/BCT-TTTN gửi Bộ Tài chính và Công văn số 6435/BCT-TTTN gửi Ngân hàng Nhà nước.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cần kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho DN kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các DN nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.
Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Tại công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cùng với đó là tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành, địa phương...
Trước đó, ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã làm việc với 31 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tình hình cung ứng xăng dầu không phải lúc này mới có khó khăn mà vấn đề này đã diễn ra từ đầu năm, thậm chí là từ cuối năm 2021.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mọi quốc gia. Ảnh minh họa: Petrolimex |
Để đảm bảo việc cung ứng mặt hàng quan trọng này, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đánh giá đúng thực trạng cung ứng xăng dầu hiện nay; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN đầu mối và đưa ra những kiến nghị, giải pháp phù hợp để xử lý tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, các DN đầu mối là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của DN, nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý.
Còn những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các Bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, đối với mọi quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đơn thuần là năng lượng cho sản xuất, đời sống mà còn là an ninh quốc gia.
Vì thế, xăng dầu được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị và phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Chính phủ các nước đều có những tác động cần thiết, thậm chí là rất lớn vào những thời điểm cần phải bình ổn mặt hàng chiến lược này - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Những năm qua, việc quản lý hoạt động kinh doanh, dự trữ quốc gia về xăng dầu đã được Nhà nước quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, điển hình là Nghị định 83/2014/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và các quy định về dự trữ quốc gia xăng dầu.
Trong đó, Nhà nước phân giao nhiệm vụ quản lý xăng dầu cho nhiều cấp, ngành: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về hoạt động cung ứng và hệ thống kinh doanh; Bộ Tài chính quản lý về vấn đề giá, thuế, phí, lệ phí, quy định về dự trữ quốc gia xăng dầu; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng xăng dầu, tiêu chuẩn về môi trường; còn các địa phương chịu trách nhiệm quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu bán lẻ trên địa bàn.
Từ hành lang pháp lý đến thực tiễn đều cho thấy, để quản lý tốt lĩnh vực này, không chỉ cần sự nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị mà còn cần sự phối hợp rất nhuần nhuyễn và trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.