Khơi dậy tiềm năng và sức mạnh của Tây Nguyên

(BKTO) - Kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực sau gần 10 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.



                
   

Dự án điện mặt trời tại huyện Ea Súp, Đăk Lăk. Ảnh: TTXVN

   

Tây Nguyên đang phát triển nhanh và bền vững

Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 (Nghị quyết 10), với sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng.

Năm 2020, quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14,1 lần năm 2002.Tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của Tây Nguyên tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.

Tổng thu ngân sách toàn Vùng được cải thiện, giai đoạn 2016-2020 đạt 113,4 nghìn tỷ đồng, tăng 67,8% so với giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 3,5%/năm (thấp hơn bình quân cả nước 7,7%/năm), nhưng đến giai đoạn 2016-2020 là 14,4%/năm, cao hơn 6,1 điểm % so với bình quân cả nước (8,3%/năm).

Tổng chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 196,4 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 là 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020 là 11,7%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với bình quân cả nước (11,6%/năm).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dần được cải thiện, bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 16,1%/năm (năm 2020 có tốc độ tăng trưởng vốn cao nhất là 25,3%). Thu nhập bình quân đầu người của Vùng tăng qua các năm, đến năm 2020 đạt 33,8 triệu đồng/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2006. GRDP bình quân đầu người tăng đều qua các giai đoạn, từ 7,13 triệu đồng (2002-2005) lên 18,09 triệu đồng (2006-2010) và đạt 48,38 triệu đồng năm 2020 (gấp 10,6 lần năm 2002).

Giai đoạn 2002-2020, cơ cấu kinh tế của Vùng dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu.
                
   

Quang cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII Ảnh: TTXVN

   

Có thể khẳng định, thông qua việc thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, các cấp, ngành, địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23) đã xác định mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường...
         
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính p hủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết 23 đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm...

Duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng.

Bốn là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ. Đẩy mạnh hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Sáu là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ./.
         
   
Nghị quyết 23 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 vùng Tây Nguyên đạt khoảng 7-7,5% và các chỉ tiêu đến năm 2030 như sau: GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng. Tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trù trợ cấp khoảng 5,6%; tỉ trọng kinh tế số khoảng 25-30% GRDP.
   
Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. 100% dân cư đô thị và 98% ở nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 98% chất thải nguy hại và 95% rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định...
   
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Khơi dậy tiềm năng và sức mạnh của Tây Nguyên