Nam Định: Cụm công nghiệp Mỹ Thuận thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp

(BKTO) - Cụm công nghiệp Mỹ Thuận có vị trí liền kề với Quốc lộ 21B - một trong những yếu tố thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định.

l_nd_vi-tri-du-an-ccn-my-thuan_screenshot-2025-04-26-111113.png
Vị trí Cụm công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định liền kề với Quốc lộ 21B là một trong các yếu tố thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: TL

Thực hiện Quyết định số 2919/QĐ-UBND ngày 27/12/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định về việc thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Mỹ Thuận, ngày 14/3/2025 UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN Mỹ Thuận.

Quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý xây dựng và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng CCN Mỹ Thuận.

Theo đó, CCN Mỹ Thuận nằm trên địa bàn xã Mỹ Thuận, TP. Nam Định với diện tích khoảng 69,23ha.

Về ranh giới lập quy hoạch của CCN này, phía Đông giáp đất nông nghiệp; phía Tây giáp đất nông nghiệp và Quốc lộ 21; phía Nam giáp khu dân cư và đất nông nghiệp; phía Bắc giáp khu dân cư và đường giao thông.

CCN Mỹ Thuận được định hướng thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường phát triển các ngành nghề hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu gồm: điện tử công nghệ cao; cơ khí công nghệ cao; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, máy móc thiết bị; sản xuất, lắp ráp thiết bị điện.

Để thực hiện được mục tiêu định hướng thu hút đầu tư, CCN Mỹ Thuận được tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan hài hòa với các khu chức năng, đảm bảo kết nối về hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, cấp nước...); các công trình trong CCN có giải pháp kiến trúc hiện đại nâng cao giá trị và hướng tới hình thành CCN điển hình cho địa phương. CCN Mỹ Thuận có chỉ giới xây dựng được xác định bằng 3m từ chỉ giới đường đỏ vào trong lô đất tại các lô đất dành cho xây dựng nhà xưởng. Khoảng lùi các công trình đảm bảo tuân thủ chỉ giới xây dựng và bảng 2.7 QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Các công trình điều hành khu nhà máy có kiến trúc đơn giản, hòa chung với môi trường cây xanh cách ly cảnh quan; màu sắc công trình tươi sáng, nhã nhặn; các công trình dịch vụ có kiến trúc mang tính hiện đại, phong phú, phù hợp… Chiều cao tối đa của khu dịch vụ là 28m (bao gồm chiều cao tầng 1 tối thiểu là 3,9m và còn lại là chiều cao các tầng, tum). Công trình nhà xưởng tại các lô đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp phụ thuộc vào dây chuyền công nghệ để xác định chiều cao của nhà xưởng. Công trình tại lô hạ tầng kỹ thuật cao 16m (bao gồm chiều cao tầng 1 tối thiểu 3,9m và còn lại là chiều cao tum, các tầng).

CCN Mỹ Thuận được quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, quy hoạch các trục đường giao thông hoàn thiện nền, mặt đường, vỉa hè, cây xanh. Quy hoạch đường giao thông trục ngang khu đất, đường N1, N2 và các đường trục dọc D1, D2, D3, D4, D5. Tuyến đường N1 kết nối với tuyến Quốc lộ 21 có bề rộng nền đường 24m, bề rộng mặt đường đôi mỗi bên 7m, vỉa hè mỗi bên 5m. Tuyến đường N2 có nền đường rộng 21m; mặt đường đôi mỗi bên rộng 5,5m; hè mỗi bên rộng 5m. Tuyến đường D1 nền đường rộng 13m; mặt đường đôi mỗi bên rộng 3,5m; vỉa hè mỗi bên 3m. Tuyến đường D2 có bề rộng nền đường 15m; bề rộng mặt đường đôi mỗi bên 3,5m; bề rộng hè một bên rộng 5m, một bên rộng 3m. Tuyến đường D3 có bề rộng nền đường 24m; bề rộng mặt đường đôi mỗi bên 7m; bề rộng hè mỗi bên 5m. Tuyến đường D4 có bề rộng nền đường 21m; bề rộng mặt đường đôi mỗi bên 5,5m; bề rộng hè mỗi bên 5m. Tuyến đường D5 có bề rộng nền đường 5m; bề rộng mặt đường 3,5m; lề đường mỗi bên rộng 0,75m.

Hệ thống thoát nước CCN Mỹ Thuận được quy hoạch đồng bộ (nước mưa và nước thải). Hệ thống thoát nước mưa trục chính sử dụng cống tròn bê tông cốt thép đúc sẵn D400, D1000, D1200, D1500 xả ra mương. Nước từ hố ga thu trực tiếp thoát về hố ga thăm thu kết hợp bằng cống tròn D400. Hướng thoát nước mưa của cả khu vực thoát ra kênh TH-20 ở phía Nam và kênh cấp 3 ở phía Tây khu đất hiện trạng. Hoàn trả kênh KN28, KN30, kênh Cây Sắn ở góc phía Tây Bắc khu đất và hệ thống kênh dẫn nước phía Nam khu đất để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Hệ thống trạm bơm 3-2 nằm ở gần tuyến đường D1 (đường vào Đình Sùng Văn) được giữ nguyên hiện trạng. Thiết kế kè mới hai bên mái kênh TH-20 và kênh tiêu cấp 3 (song song với tuyến đường D1) trong phạm vi của Dự án. Hệ thống thoát nước thải thiết kế đường ống D300; D400 từ vị trí các lô đất công nghiệp, lô đất dịch vụ chảy về trạm xử lý nước thải. Nước từ trạm xử lý nước thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) trước khi xả ra môi trường. Quy hoạch xây dựng mới trạm xử lý nước thải có tổng công suất 1.500 m³/ngày đêm; được tính toán xây dựng phân kỳ công suất cho phù hợp với thời gian lấp đầy cho thuê của CCN. Hệ thống thoát nước thải bao gồm đường ống thoát nước thải là cống tròn có đường kính D300, D400. Mạng lưới cống thu gom nước thải được bố trí dọc theo đường giao thông đảm bảo thu gom nước thải từ các nhà máy dẫn về trạm xử lý nước thải. Sau khi xử lý nước thải tại trạm xử lý nước thải tập trung của CCN mới được xả vào hệ thống thoát nước chung./.

Cùng chuyên mục
  • Nam Định: Thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
    16 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đã phát huy những tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững.
  • Xóa nhà tạm, tạo sinh kế cho người nghèo
    16 giờ trước Địa phương
    (BKTO) - Quế Phong là một trong những huyện nghèo vùng núi của tỉnh Nghệ An. Song nhờ khai thác hiệu quả các chương trình, dự án với nhiều mô hình hỗ trợ thoát nghèo của tỉnh, cuộc sống của người dân nơi đây từng bước được cải thiện. Bên cạnh việc tạo chốn an cư cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng nỗ lực tạo kế sinh nhai cho người dân.
  • Tín dụng xanh trông đợi khung pháp lý toàn diện
    (BKTO) - Dòng vốn từ ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền kinh tế. Tuy vậy, việc thiếu hệ thống tiêu chí phân loại xanh, chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng, bảo lãnh rủi ro cho cả bên vay và bên cho vay khiến doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng xanh.
  • Ai phải chịu trách nhiệm khi để nhà ở bán sai đối tượng?
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Đầu tư phát triển nhà ở xã hội là một chính sách an sinh xã hội có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách này trên thực tế vẫn còn xảy ra những tiêu cực đáng quan ngại cần tìm lời giải. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.
  • Giải ngân đầu tư công tăng tốc nhưng chưa bứt phá
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4/2025 đã có dấu hiệu tăng tốc, giúp thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân lũy kế 4 tháng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc về cơ chế, tổ chức thực hiện và phân bổ vốn tiếp tục cản trở tiến độ, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt tháo gỡ trong thời gian tới.
Nam Định: Cụm công nghiệp Mỹ Thuận thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp