
Phát huy tiềm năng phát triển du lịch xanh
Nam Định nằm ở khu vực trung tâm phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy; có quốc lộ, cao tốc chạy qua địa bàn tỉnh, hệ thống đường tỉnh, đường huyện cũng đã được đầu tư nâng cấp.
Tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch biển khá phong phú, đa dạng phù hợp phát triển du lịch xanh. Với đường bờ biển dài 72km, tỉnh có nhiều bãi biển đẹp, thoải, dài, cát mịn, vùng bờ, cồn nổi; tiêu biểu như các bãi: Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) - Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận.
Nhiều mô hình du lịch xanh kết hợp nông nghiệp, nông thôn với du lịch, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, văn hóa bản địa mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường, tài nguyên tự nhiên. Với nguồn tài nguyên phát triển du lịch xanh đa dạng, nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân làm du lịch lựa chọn thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua những mô hình kết hợp, sáng tạo giữa nông nghiệp, nông thôn và du lịch.

Du lịch Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả và cải thiện đời sống của người dân vùng đất ngập mặn. Địa điểm du lịch này có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái với các hoạt động khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, trải nghiệm sông nước vùng ngập mặn, du lịch gắn với giáo dục, bảo vệ môi trường. Cảnh quan nông thôn nơi đây mang đặc trưng của vùng chiêm trũng Đồng bằng Bắc Bộ với những cánh đồng lúa trải dài, những cánh đồng muối lớn ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, làng nghề gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng.
Tỉnh hiện có hơn 1.300 di tích đã được xếp hạng, kiểm kê; 11 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
"Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điểm nhấn du lịch văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng tập trung ở các di tích: Đền Trần - Chùa Phổ Minh, Chùa Keo Hành Thiện, Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ, Chùa Lương - Cầu Ngói, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh cùng hệ thống nhà thờ Thiên Chúa giáo với kiến trúc độc đáo.
Nam Định là địa phương còn lưu giữ được nhiều nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có một số làng nghề nổi tiếng như: ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh); làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); làng nghề đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên).
Ẩm thực Nam Định phong phú, đa dạng, độc đáo, với nhiều đặc sản tiêu biểu như: phở Nam Định, bún đũa, nem nắm, bánh gai, kẹo Sìu châu, bánh xíu páo, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh nhãn Hải Hậu. Những món ăn này hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, thưởng thức.
Đó là những tiềm năng để Nam Định có đủ điều kiện phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Trong nhiều năm gần đây, tỉnh Nam Định luôn giữ được tăng trưởng về du lịch ổn định, nhờ phát triển đa dạng các hoạt động du lịch, trong đó có nhiều hoạt động du lịch gắn với môi trường thiên nhiên, sông nước.
Du lịch Nam Định thời gian qua có bước phát triển ổn định, tăng dần theo từng năm. Giai đoạn phục hồi du lịch (sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát), du lịch Nam Định từng bước phục hồi với tín hiệu tích cực. Năm 2022, lượng khách du lịch đến Nam Định đạt hơn 1 triệu lượt (phục hồi khoảng 40% so với năm 2019, tăng 120% so với năm 2021), tổng thu từ khách du lịch đạt 330 tỷ đồng (phục hồi khoảng 41,3% so với năm 2019, tăng 114,3% so với năm 2021). Các con số này tiếp tục tăng vào năm 2023, khách du lịch đạt hơn 1,77 triệu lượt (phục hồi khoảng 67% so với năm 2019, tăng 71% so với năm 2022), tổng thu từ khách du lịch đạt 535 tỷ đồng (phục hồi khoảng 66,8% so với năm 2019, tăng 62,1% so với năm 2022). Năm 2024, tỉnh Nam Định đón hơn 1,86 triệu lượt khách, tăng 5,2% so với năm 2023; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Kết quả doanh thu từ ngành du lịch đã minh chứng sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc định hướng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Định hướng giải pháp phát triển du lịch tăng trưởng xanh
Nam Định đặt mục tiêu tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch mang tính bền vững và mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Định hướng giải pháp phát triển du lịch xanh trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh chú trọng các yếu tố tác động từ cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và người dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường, cách thức để phát triển du lịch bền vững, đảm bảo mục tiêu kép “phát triển du lịch và gìn giữ, bảo tồn các giá trị tài nguyên cho tương lai, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, tạo cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng cho các hoạt động du lịch của tỉnh theo từng năm và từng giai đoạn.
Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khơi dậy sức dân phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh gắn với cộng đồng có trách nhiệm. Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch; xử lý hiệu quả rác thải, nước thải từ các hoạt động du lịch.
Thực hiện chiến lược “đầu tư xanh” cho phát triển du lịch Nam Định, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại trong quản lý, xử lý rác thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu mới, có năng lực quản lý và kinh nghiệm phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với tài nguyên, thiên nhiên và môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng địa phương.
Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng du lịch xanh, đặc biệt là các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên; du lịch biển; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch trải nghiệm cộng đồng; du lịch gắn với giáo dục bảo vệ môi trường.
Cùng với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của các phân khúc thị trường khách nội địa và quốc tế, tỉnh xác định phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng địa phương, dựa trên thế mạnh nguồn tài nguyên hiện có của tỉnh với một số sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng rừng, biển gắn với Vườn quốc gia Xuân Thủy và các bãi biển của tỉnh; Du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với các sản phẩm OCOP nông nghiệp; Phát triển loại hình du lịch trang trại gắn với các vựa lúa (nông nghiệp), vựa muối (diêm nghiệp) của tỉnh; Du lịch văn hóa gắn với các giá trị lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng, các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh; Du lịch thể thao, giải trí gắn với các sự kiện thể dục thể thao tại Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Cung thể thao tỉnh, các công viên, quảng trường, khu vực trung tâm các huyện, TP. Nam Định.
Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đã và đang góp phần không nhỏ giúp các vùng, các địa phương của Nam Định thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, để lại những ấn tượng trải nghiệm đáng nhớ của du khách về thiên nhiên, con người và văn hóa nơi đây./.