Nam Định: Hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp

(BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định vừa ban hành các Quyết định số 881/QĐ-UBND và 882/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án khu công nghiệp (KCN) Minh Châu (giai đoạn 1) và Xuân Kiên (giai đoạn 1).

l_nd_2-khu-cong-nghiep-se-nam-tai-huyen-nghia-hung-va-xuan-truong-cua-tinh-nam-dinh.jpg
Các khu công nghiệp Minh Châu, Xuân Kiên được xây dựng tại 2 huyện Nghĩa Hưng và Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: ST

Dự án KCN Minh Châu (giai đoạn 1) với quy mô 100ha được xây dựng tại các xã Nghĩa Châu và Đồng Thịnh, huyện Nghĩa Hưng; có tổng mức đầu tư khoảng 1.259,688 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp 220 tỷ đồng; dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2026, hoàn thành toàn bộ hệ thống hạ tầng vào quý III/2027.

Dự án KCN Xuân Kiên (giai đoạn 1) có quy mô 100ha xây dựng tại xã Xuân Phúc, huyện Xuân Trường; tổng vốn đầu tư khoảng 1.245 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp 249 tỷ đồng; dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2026 và hoàn thành toàn bộ hạ tầng vào quý I/2028.

Cả 2 dự án trên đều được cấp phép hoạt động trong thời hạn 50 năm, được hưởng đầy đủ các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành; được định hướng phát triển theo mô hình KCN hiện đại, xanh và bền vững, bao gồm các công trình phục vụ đời sống người lao động như khu nhà ở công nhân, trường học, dịch vụ tiện ích công cộng.

KCN Minh Châu được xây dựng và phát triển trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

Mục tiêu xây dựng KCN Xuân Kiên nhằm đẩy mạnh thu hút các ngành nghề công nghiệp đa dạng, từ sản xuất, chế biến đến các dịch vụ hỗ trợ, giúp mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Để triển khai và hoàn thành các dự án KCN Minh Châu, KCN Xuân Kiên theo đúng tiến độ, chất lượng, Nam Định giao Ban Quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án, thời hạn góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.

Các sở, ngành có liên quan và Ban Quản lý các KCN tỉnh chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý Nhà nước về KCN theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất KCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản.

Rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Giám sát, đánh giá nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng KCN đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác có liên quan.

Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng dự án và việc sử dụng đất để thực hiện dự án đảm bảo mục tiêu thực hiện dự án là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư về thu hút các dự án đầu tư để thực hiện dự án và việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng KCN theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Việc nhà đầu tư vay tín dụng tại tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Chính quyền các huyện, xã có dự án triển khai thực hiện trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ dự án và quy định của pháp luật; Kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt theo Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Tỉnh yêu cầu nhà đầu tư các dự án triển khai nhanh, có hiệu quả cao đối với khu nhà ở công nhân và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN theo quy định của pháp luật về KCN và pháp luật về nhà ở; tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước, thủy lợi, các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, quy định về công tác bảo vệ di sản văn hóa, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đồng thuận với người dân trong vùng dự án.

Các KCN Minh Châu, Xuân Kiên góp phần mở rộng không gian phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh công nghiệp phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Hồng./.

Cùng chuyên mục
Nam Định: Hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp