
Những năm qua, ngành dệt may Nam Định đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và thị trường. Đến nay, tỉnh có hơn 6.000 cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực dệt may, trong đó có khoảng 420 doanh nghiệp với nhiều tên tuổi như: Công ty TNHH Youngone Nam Định; Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định; Công ty Cổ phần Dệt May Sơn Nam; Công ty Cổ phần Bảo Linh...
Không chỉ mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư chiều sâu, sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Hiện hàng dệt may Nam Định đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP, ASEAN… Gần đây, các doanh nghiệp còn thành công mở rộng sang những thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho biết đã nhận được nhiều đơn hàng với thời hạn đến hết năm 2025. Điển hình như Công ty Cổ phần May Sông Hồng - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của tỉnh - đã ký kết đơn hàng đến hết năm 2025, với hơn 70% xuất khẩu sang Mỹ; Công ty TNHH May Việt Thuận - Khu công nghiệp Hòa Xá (TP. Nam Định) đã ổn định đơn hàng đến tháng 6/2025, đảm bảo thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng/người cho hơn 2.200 lao động.
Điểm nhấn rõ nét nhất về năng lực sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của nhóm các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Nam Định phải kể đến việc tỉnh đã chủ động quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) trên tổng diện tích gần 2.200ha theo hướng xây dựng một khu công nghiệp dệt may thông minh - sinh thái, khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may.

Với nỗ lực đổi mới, bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành dệt may Nam Định không ngừng đón đầu làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, góp phần mang đến sức sống mới cho ngành dệt may của tỉnh. Có thể kể đến Dự án sản xuất sợi và dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư 9 triệu USD của nhà đầu tư Jinnor Limited (Hồng Kông - Trung Quốc); Dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD của nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited thuộc Tập đoàn Crystal (Hồng Kông - Trung Quốc) sản xuất các sản phẩm dệt may với tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD); Nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic do Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam thuộc Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư với tổng vốn hơn 6 triệu USD…
Đặc biệt, Toray (Nhật Bản) - một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới - đã được Nam Định cấp phép cho công ty con là Công ty TNHH Top Textiles đầu tư Dự án nhà máy sản xuất vải tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng công suất thiết kế đạt 120 triệu mét vải vào năm 2025. Đây là một trong những nhà máy dệt kim lớn nhất miền Bắc Việt Nam, sử dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Dự án được khánh thành đưa vào hoạt động chỉ trong vòng hơn 30 tháng triển khai thực hiện là minh chứng tích cực cho năng lực của tỉnh có thể sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn trên toàn cầu.
Theo Chiến lược phát triển ngành dệt may Nam Định, ngành dệt may của tỉnh không chỉ nhằm mở rộng sản xuất, mà còn tập trung vào phát triển theo cấu trúc chuỗi giá trị bền vững, phát thải carbon thấp và kiên quyết chỉ thu hút, cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường. Chiến lược này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; đồng thời đáp ứng đúng và trúng nhu cầu bức thiết của ngành dệt may Việt Nam hiện đang cần tái cấu trúc đầu tư vào phần cung thiếu hụt gồm dệt và nhuộm; đưa sản phẩm dệt may thương hiệu “Made in Vietnam” vươn xa trên thị trường quốc tế.
Cùng với chiến lược phát triển bền vững, dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, sự bùng nổ đơn hàng đã giúp ngành dệt may Nam Định đóng góp trên 50% giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, tương đương trên 60% giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo (theo giá hiện hành) trên địa bàn tỉnh; chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất của dệt may cả nước, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm dệt may của miền Bắc./.