Nam Định: Sớm ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão

(BKTO) - Cơn bão số 3 với cường độ đặc biệt lớn và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tỉnh Nam Định. Song với tinh thần chủ động và phối hợp chặt chẽ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, tính mạng người dân đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn và giảm tối đa thiệt hại về tài sản, công trình hạ tầng.

img-2024-09-12-094527-1435(1).jpg
Lực lượng quân sự tỉnh Nam Định nỗ lực chống tràn đê bối. Ảnh: ST

Để có thể giảm đến mức tối đa thiệt hại cơn bão số 3 và mưa lũ, sạt lở sau bão gây ra, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Tỉnh đã ban hành 5 Công điện, 5 văn bản chỉ đạo để các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ với mục tiêu ưu tiên đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản của người dân.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão tại địa bàn các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến và mọi tác động, ảnh hưởng do bão, mưa lũ gây ra trên địa bàn; chỉ đạo khẩn trương và kịp thời bám sát hiện trường để đôn đốc, kiểm soát tiến độ, hiệu quả thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố.

ptt6-17261378549441378694820.jpg
Mưa lũ khiến nhiều diện tích đồng ruộng ở Nam Định bị ngập sâu. Ảnh: ST

Thống kê đến thời điểm 16h00 ngày 13/9/2024, tổng thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định ước tính gần 564 tỷ đồng. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị hơn 1,13 tỷ đồng.

Ước giá trị thiệt hại về nhà ở trên 1,52 tỷ đồng; trong đó, có 2.114 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 4 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, 1 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng.

Mưa bão cũng khiến 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 4.087 cây xanh bị đổ và ngập trong nước; nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh bị ngập; một số tuyến bờ bao, bối bị tràn; một số cống xuất hiện lỗ rò…

Trong bối cảnh cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều mặt đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân nhiều địa phương, tỉnh Nam Định được đánh giá đã nỗ lực giảm tối đa nhất mức thiệt hại.

16.9.jpg
Các lực lượng trên địa bàn tỉnh thu dọn cây xanh gẫy, đổ. Ảnh: ST

Đặc biệt, ngay sau bão, các huyện, thành phố, các lực lượng liên quan đã làm tốt công tác thu gom, xử lý cây gãy, đổ, kịp thời khôi phục giao thông; khắc phục, sửa chữa các cột điện, hệ thống điện bị hư hỏng, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong quá trình kiểm tra tại Nam Định, đều ghi nhận sự nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng những kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do siêu bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra của toàn thể chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định.

Hiện tại, tỉnh Nam Định tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan đến khắc phục hậu quả, tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão lũ. Đồng thời, chú trọng thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ gây ra./.

Cùng chuyên mục
Nam Định: Sớm ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão