Trong bản Báo cáo kiểm toán phát hành cuối tháng 11/2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi Kimi Makwetu đã lên tiếng chỉ trích những yếu kém đáng lo ngại trong năng lực quản lý tài chính công tại các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương và DNNN của Nam Phi giai đoạn 2014-2018. Ông Kimi Makwetu khẳng định, các sai phạm này là “không thể chấp nhận được” và “cần phải thay đổi”.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương và DNNN đã chi tiêu bừa bãi, lãng phí. Cụ thể, chi tiêu bất thường tăng 121%, chi tiêu trái phép tăng 68%, chi tiêu không hiệu quả và lãng phí tăng 236%. Tính đến tháng 3/2018, chỉ có 23% các cơ quan của Chính phủ được đánh giá kiểm toán sạch, giảm 30% so với năm trước. Nhiều hợp đồng có giá trị hàng tỷ Rand tại một số DNNN không thể được kiểm toán do thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ… Tổng số tiền sai phạm, thất thoát, lãng phí tại các đơn vị này hiện đã lên tới hơn 296 tỷ Rand.
Bên cạnh đó, Bản báo cáo cũng chỉ đích danh 10 cơ quan của Chính phủ có mức sai phạm, lãng phí cao nhất cả nước, trong đó, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Quốc gia (Eskom Holdings), Hãng Hàng không Quốc gia (SAA) và Tổng công ty Phát thanh truyền hình (SABC). Các công ty này đang quay cuồng sau nhiều lần thay đổi về quản lý, chiến lược và cầu cứu viện trợ nhà nước cũng như cắt giảm nhân sự để có thể tồn tại.
Các công ty xếp hạng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Kimi Makwetu đã gọi vấn đề tài chính tại các cơ quan thuộc Chính phủ, DNNN của Nam Phi là rủi ro chính đối với nền kinh tế quốc gia. Bộ trưởng Bộ DNNN Nam Phi Pravin Gordhan - người giám sát 7 DNNN lớn nhất - đã thừa nhận không thể kiểm soát được tình hình và hầu như chưa đưa ra những kế hoạch cụ thể để cải thiện. "Một vấn đề không chỉ tồn tại ở Eskom mà còn ở nhiều DNNN khác là cấu trúc chi phí không tương ứng với hoạt động và doanh thu hiện tại" - ông Gordhan cho biết.
Eskom, Tập đoàn cung cấp khoảng 95% điện năng của quốc gia, cho đến nay, vẫn là “khối u” nhức nhối nhất của Chính phủ Nam Phi. Trong giai đoạn 2014-2018, khoản nợ của Tập đoàn hiện đã lên tới 19,8 tỷ Rand, phần lớn được bảo đảm bởi Nhà nước. Tập đoàn này không bán đủ năng lượng để trang trải chi phí hoạt động và bảo trì nhà máy, dẫn đến thiếu điện trên diện rộng. Eskom hiện có khoảng 48.000 người lao động. Theo một kế hoạch chiến lược mới được dự thảo, Eskom có thể phải sa thải tới 16.000 công nhân trong năm tới.
Trong khi đó, SAA đã để thâm hụt ngân sách liên tiếp trong 7 năm qua. Mặc dù 19,1 tỷ Rand đã được đưa vào bảo lãnh nợ chính phủ và 5 tỷ Rand được phân bổ trong ngân sách trung hạn để giúp trả nợ, song tính đến cuối tháng 3/2018, SAA vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 3,5 tỷ Rand ngân sách hoạt động. Trước tình hình đó, Chính phủ Nam Phi đã phải tiến hành giải ngân 343 triệu USD để cứu SAA ra khỏi tình trạng thua lỗ nặng nề.
Còn với SABC, Tổng Kiểm toán Nhà nước Kimi Makwetu cho biết, Tổng công ty này đã để thất thoát khoảng 633 triệu Rand trong năm tài chính 2017 và SABC cần sa thải gần 1/3 trong số 3.376 nhân sự và 1.200 cộng tác viên sau khi Bộ Tài chính từ chối yêu cầu cấp bổ sung 3 tỷ Rand. Có 4 thành viên của Ủy ban Lâm thời của SABC đã xin nghỉ việc sau khi Chính phủ phản đối việc cắt giảm nhân sự, với lý do Chính phủ can thiệp chính trị sâu vào công việc của họ.
Được coi là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, kinh tế Nam Phi đã xuống dốc trầm trọng trong gần một thập kỷ qua. Hiện, tỷ lệ nợ công của nền kinh tế trị giá 300 tỷ USD này đang ở mức 53,1% GDP và dự báo sẽ tăng lên 56,2% GDP trong năm năm tới. Theo Ủy ban Kế hoạch Quốc gia Nam Phi (NPC), nợ công cao sẽ buộc Chính phủ phải giảm các khoản chi dành cho phúc lợi xã hội - một yếu tố được đánh giá là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong xã hội tại quốc gia vốn đã nằm trong số những nước có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới này. NPC cho biết, nhiều khả năng Nam Phi sẽ sớm phải yêu cầu sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong trường hợp nguồn thu ngân sách của nước này không còn đủ để chi trả các khoản nợ công.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018