Tình trạng nợ đọng trong xây dựng đến nay rất trầm trọng. Ảnh: Phạm Tuân
Doanh nghiệp bị nợ đọng xây dựng hàng nghìn tỷ đồng
Bình luận về vấn đề nợ đọng xây dựng hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 DN thi công xây dựng, trong đó gần như 100% DN có nợ đọng, DN bị nợ đọng ít thì khoảng vài chục tỷ đồng, DN bị nợ đọng nhiều lên đến cả nghìn tỷ đồng. Cũng theo ông Hiệp, các nhà thầu xây dựng phần lớn có nguồn vốn eo hẹp, phải vay ngân hàng để trang trải thi công, lại phải “gánh” nợ đọng lớn, dẫn đến tình trạng “nợ chồng nợ”, DN rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, không làm thì chậm tiến độ dự án, mà làm thì công nợ và lãi vay ngân hàng càng ngày càng lớn. “Chính vì những khoản nợ đọng này khiến nhiều DN xây dựng, nhất là DN vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Chia sẻ thực tế của DN, ông Khương Tất Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - cho biết đơn vị của ông chuyên thi công những công trình có vốn đầu tư từ ngân sách cũng đang phải đối mặt với những khoản nợ đọng kéo dài nhiều năm. Hiện, DN có 1.280 hợp đồng có công nợ phải thu, tổng số nợ phải thu lên đến 1.539 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Hoàng Trung Kiên - Phó Ban Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - cho biết, tổng số nợ đọng của đơn vị hiện nay là khoảng 187 tỷ đồng. “Tình trạng chậm thanh toán đối với công nợ là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích hợp pháp của DN, đồng thời ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, gây nhiều hệ lụy tiêu cực” - ông Kiên nói.
Cũng là một DN bị nợ đọng xây dựng nhiều năm nay, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - cho biết, hiện vốn chủ sở hữu của LILAMA chỉ khoảng 800 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền đang bị nợ đọng tại các dự án lên tới khoảng 1.900 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Số tiền bị nợ đọng đang gây khó khăn lớn cho hoạt động của đơn vị. Tương tự, ông Vũ Xuân Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) - cũng cho biết, đơn vị có những dự án, gói thầu thi công có nợ đọng xây dựng kéo dài cả chục năm. Đơn cử, COMA có một số công trình được thực hiện chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình đã được đưa vào khai thác sử dụng gần 12 năm và qua thời gian 10 năm bảo hành, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa được thanh toán xong toàn bộ nguồn vốn thực hiện dự án.
Cần những giải pháp đồng bộ để “cứu” doanh nghiệp
Đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng phổ biến trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, đối với loại nợ công trình vốn đầu tư công, các khoản nợ chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh khối lượng vượt hợp đồng nên phải chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng. Đối với loại nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, do một số chủ đầu tư chây ỳ cố tình không thanh quyết toán, đặc biệt là ở 25% cuối cùng của dự án, mặc dù dự án đã đưa vào khai thác sử dụng.
Trước thực tế đó, để từng bước giải “bài toán” nợ đọng xây dựng, ông Hiệp kiến nghị, đối với vốn đầu tư công, đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách, để thống kê chính xác số lượng nợ tồn đọng xây dựng trong các năm trước, báo cáo Chính phủ phương án xử lý các khoản nợ tồn đọng để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu. Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối cùng của dự án khi dự án kết thúc, để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. Trước mắt, cần có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết đối với các khoản nợ đọng, kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ỳ thanh toán của một số chủ đầu tư.
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Trung Kiên chia sẻ thêm, hiện nay, trong hợp đồng xây dựng đang thể hiện sự bất bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đặc biệt trong khâu thanh toán. Cụ thể, trong hợp đồng xây dựng quy định các nhà thầu phải có tới 4 loại bảo lãnh ngân hàng khi tham gia một dự án, nhưng ở phía chủ đầu tư thì không có bất kỳ quy định bảo lãnh nào, vì vậy phần lớn mọi rắc rối thường hay xảy ra ở khoản 20-25% thanh toán cuối cùng của dự án. “Để giải quyết vấn đề này, khi sửa Luật Xây dựng cần bổ sung quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, cũng như bổ sung quy định chủ đầu tư phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu mới được đưa công trình vào khai thác sử dụng” - ông Kiên kiến nghị.
Ngoài ra, ông Vũ Gia Bình - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Số 1 - kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán và bố trí vốn riêng cho từng gói thầu. Theo đó, cần quy định thực hiện thanh quyết toán những hạng mục đã hoàn thành, không phụ thuộc vào các hạng mục thành phần khác trong trường hợp dự án bị kéo dài vì những lý do khách quan hoặc những hạng mục độc lập khác chưa hoàn thành trong tổng thể dự án.
Ông Hoàng Ngọc Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Xây dựng Delta - đưa thêm đề xuất, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cần phối hợp với một số đơn vị thực hiện đánh giá, xếp hạng uy tín đối với các chủ đầu tư tư nhân, như đã thực hiện xếp hạng các nhà thầu xây dựng thời gian qua, để các nhà thầu xây dựng nắm được thông tin, chủ động hợp tác với những chủ đầu tư thực sự có năng lực, uy tín, từ đó hạn chế rủi ro nợ đọng xây dựng./.
Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công. |
DIỆU THIỆN