Nan giải “cuộc chiến” chống vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả

(BKTO) - Thời gian qua, số lượng các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân, người tiêu dùng ngày càng tăng. Đây là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội và vẫn chưa có hồi kết.



Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả không ngừng gia tăng

Ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết, trong thời gian qua, xu hướng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại nói chung, trong đó có các mặt hàng là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không ngừng gia tăng, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn rất nhiều.
                
   

Ngày 23/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp”.Ảnh: D.THIỆN

   

Theo đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đã dịch chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, hình thành đường dây, tổ chức liên kết trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đối tượng còn chuyển từ hình thức kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang hoạt động trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.

Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả ngày càng gia tăng, theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trước hết là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại rất lớn, đặc biệt là với nhóm các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ dẫn đến các đối tượng lợi dụng các kênh bán hàng trực tuyến, nền tảng mạng xã hội để gia tăng việc trao đổi, buôn bán bán hàng giả.

Trong khi đó, về phía các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều rào cản làm hạn chế hiệu quả hoạt động của công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

Cụ thể, việc giám định các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh. Hiện chi phí giám định mỗi chỉ tiêu mất khoảng từ 4 - 5 triệu đồng, mỗi mẫu sản phẩm phải giám định từ 4 - 5 chỉ tiêu mới đánh giá được, do đó chi phí không hề nhỏ. Trong khi trên thị trường có đến hàng hàng triệu loại thuốc, thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường còn quá mỏng, dẫn đến việc phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trên thực tế. Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó cũng ảnh hưởng đến công tác thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng trong “cuộc chiến” chống hàng giả, gian lận thương mại còn chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt…

Nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng

Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, việc sản xuất, lưu hành các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả để lại rất nhiều hệ lụy. Cụ thể, đối với người tiêu dùng, thuốc và thức phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, mà còn có thể “rước” thêm bệnh, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Đối với những DN làm ăn chân chính, tình trạng này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, các sản phẩm giả mạo tràn lan khiến DN mất doanh thu và thị phần trên thị trường do không tiếp cận được nguồn khách hàng tiềm năng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mặt khác có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm cho rằng DN cung cấp sản phẩm kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín thương hiệu của DN trên thị trường. Ngoài ra còn làm hạn chế khả năng đổi mới của DN, vì sản phẩm cứ đưa ra thị trường là bị làm giả khiến DN nản lòng...

Đặc biệt, ở tầm vĩ mô, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại ảnh hưởng lớn đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế, cũng như làm xấu đi hình ảnh môi trường kinh doanh của Việt Nam. “Sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ khiến các tập đoàn, nhà đầu tư trên thế giới dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam do tâm lý lo ngại không được bảo vệ tốt quyền lợi” - ông Lê nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả trong thời gian tới, ông Trần Đức Đông cho rằng các lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát hệ thống chính sách pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách chống gian lận thương mại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng quản lý thị trường…

Về phía các DN, ông Nguyễn Ngọc Tâm - chuyên gia Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho rằng, các DN cũng phải nâng cao ý thức chủ động bảo vệ các sản phẩm của mình, trong đó các DN có thể sử dụng con tem có mã QR in trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Lê lưu ý thêm, DN, người tiêu dùng khi phát hiện việc sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên thị trường nói chung, trong đó có các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng hãy phản ánh ngay bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan chức năng tiếp nhận và kịp thời ngăn chặn, xử lý./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Nan giải “cuộc chiến” chống vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả