Fitch Ratings vừa công bố xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB và nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Ảnh: Hữu Dũng
♦ Thưa ông, mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB và nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế, cũng như thị trường tài chính - tiền tệ, thưa ông?
- Trước hết có thể thấy, việc Fitch Ratings nâng hạng triển vọng tín nhiệm quốc gia là một sự công nhận xứng đáng đối với nỗ lực quản lý kinh tế vĩ mô, cũng như sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Theo đó, Fitch đã ghi nhận thành tích, nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì và trở thành một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương năm 2020, lạm phát được giữ ở mức thấp, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định và dự trữ ngoại hối tăng, cũng như ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm khôi phục nền kinh tế…
Về tác động của việc cải thiện triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, có thể thấy xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm là vấn đề uy tín quốc gia trên trường quốc tế, theo đó, khi triển vọng tín nhiệm tăng lên cũng có nghĩa uy tín của Việt Nam được nâng lên. Mặt khác, hạng tín nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay vốn - tức lãi suất mà người phát hành chứng khoán, trong trường hợp này là Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu, phải chào mời để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy, sự cải thiện về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam sẽ làm giảm chi phí vay nợ nước ngoài cho quốc gia, cũng như làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn ở Việt Nam. Các DN cũng được hưởng lợi khi họ có thể tiếp cận với thị trường vốn trong nước và ngoài nước với chi phí thấp hơn.
Với các ngân hàng thương mại, do chi phí tái cấp vốn sẽ giảm nên việc củng cố và cải thiện cơ sở vốn sẽ thuận lợi hơn, góp phần tăng cường “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng.
♦ Bên cạnh những tác động tích cực trên, theo ông, việc Việt Nam được nâng mức triển vọng tín nhiệm quốc gia tác động như thế nào đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, việc nâng bậc về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam cũng có tác động tích cực đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Cụ thể, mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do vậy, khi triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, sẽ tác động tích cực đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó cơ hội và triển vọng thu hút FDI cũng tăng lên. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc Việt Nam đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như chúng ta đang phải cạnh tranh mạnh mẽ, quyết liệt với các nước trên thế giới trong “cuộc đua” thu hút FDI để gia tăng nguồn vốn phục vụ cho việc khôi phục và phát triển đất nước sau đại dịch Covid-19…
♦ Việc nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm không chỉ mang đến điểm cộng, mà còn đặt ra những yêu cầu gì đối với chúng ta trong thời gian tới, thưa ông?
- Việc nâng bậc triển vọng xếp hạng tín nhiệm là một tín hiệu tích cực đối với Việt Nam và mang lại cho chúng ta những “điểm cộng”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta được bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà chúng ta cần nhìn vào những điểm chưa làm được theo các tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, từ đó tập trung cải thiện để có thể duy trì và nâng cao hơn nữa mức xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.
Fitch Ratings cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác như Standard & Poor’s và Moody’s xem xét, đánh giá xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm của Việt Nam dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng tiêu chí cốt lõi là họ đánh giá Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không. Do đó, tôi cho rằng, để có thể duy trì và nâng cao hơn nữa mức xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô đã được đề ra, tiếp tục tập trung phấn đấu tạo nền tảng vĩ mô ổn định vững chắc hơn trong những năm tiếp theo, đặc biệt là việc ban hành các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô phải vận hành theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh là một yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chấm điểm tín nhiệm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những cải cách mạnh mẽ về thể chế và đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn nữa, để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện, minh bạch, an toàn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
♦Xin trân trọng cảm ơn ông!