Nhiều chính sách thúc đẩy hệ thống đào tạo sư phạm phát triển
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2021, tình hình tuyển sinh sư phạm rất khả quan, kết quả đáng khích lệ so với những năm trước cả về số lượng và chất lượng tuyển sinh. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo sư phạm còn có những khó khăn, thách thức liên quan tới việc sắp xếp lại hệ thống đào tạo sư phạm; đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng; công tác tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng; liên kết trong và ngoài hệ thống; đổi mới phương pháp dạy học.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đào tạo sư phạm, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới. Theo đó, đã triển khai nghiên cứu sắp xếp tổ chức lại hệ thống trường sư phạm; luật hóa quy định nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm; đầu tư nâng cao năng lực cho các trường sư phạm.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ chi phí sinh hoạt và miễn học phí, đây là một trong những chính sách hỗ trợ dành cho đào tạo ngành sư phạm. |
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm và tiến tới tích hợp trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Nghị định số 71/2020NĐ-CP quy định thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên.
Toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường đại học sư phạm; 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc. Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng. Tính tới tháng 12/2020, quy mô đào tạo đại học sư phạm chính quy là 52.362 sinh viên; tổng số giảng viên là 5.866 người. |
Đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu giáo viên, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm; xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào; triển khai các chương trình, dự án… nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng đào tạo nói chung.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung được các trường sư phạm trao đổi, chia sẻ, tập trung vào vấn đề: quy hoạch mạng lưới; chất lượng đào tạo sư phạm; đào tạo giáo viên phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới;… Bên cạnh việc ghi nhận những thuận lợi từ các chính sách mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng nêu lên những bất cập trong việc triển khai, thực hiện chính sách. Đơn cử như Nghị định 116 về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, các đơn vị chức năng của Bộ đã tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn làm rõ cho các trường. Tuy nhiên, các đơn vị của Bộ cần tiếp tục nắm bắt khó khăn từ các trường để hướng dẫn cách làm thống nhất.
Cơ hội, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn với trường sư phạm
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐTNguyễn Hữu Độ cho rằng, các trường đang đứng trước cơ hội, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ. Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai đổi mới giáo dục. Theo đó, Bộ đã ban hành Chương trình mới với rất nhiều điểm đáng chú ý; từ quan điểm xây dựng chương trình đến mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; định hướng về nội dung giáo dục; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Là đơn vị đào tạo giáo viên, từ lãnh đạo đến giảng viên các trường sư phạm cần nắm thật chắc Chương trình mới, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học phát triển năng lực sư phạm thường xuyên, liên tục; phối hợp chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa giữa trường sư phạm với các Sở GD&ĐT, các trường trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Trước ý kiến của một số trường về quy hoạch hệ thống sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Quy hoạch là vấn đề quan trọng, nhưng việc thực hiện triển khai quy hoạch hiệu quả mới là vấn đề trọng yếu cần quan tâm nhất. Trong đó, làm sao để tăng cường được sự hợp tác giữa các trường, sự hợp tác này rất quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm góp phần tăng hiệu quả của cả hệ thống.
Các trường sư phạm cần phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT, các trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn giáo viên. Ảnh: N.LỘC |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đang được toàn ngành giáo dục triển khai và khẳng định: Đổi mới phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do lực lượng nhà giáo quyết định. Lực lượng này lại được quyết định bởi hệ thống các trường sư phạm.
Ghi nhận nỗ lực và sự đóng góp trên nhiều phương diện của hệ thống trường đào tạo giáo viên, Bộ trưởng đồng thời nhận định, đang có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống, bao gồm thay đổi trong mô hình cơ cấu tổ chức, trong tuyển sinh, đào tạo; thay đổi trong cơ chế tài chính và các quyền tự chủ khác. Song dù đa ngành, hay thuần túy đào tạo sư phạm, điều quan trọng là đào tạo giáo viên phải đạt được các chuẩn đặt ra.
“Với vai trò quan trọng của hoạt động đào tạo giáo viên trong triển khai Chương trình mới, các trường sư phạm phải tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” – Bộ trưởng nhấn mạnh.