Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán

HOÀNG VĂN LƯƠNG - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN | 16/01/2025 06:26

(BKTO) - Thời gian qua, KTNN luôn xác định nâng cao chất lượng, giá trị của các cuộc kiểm toán sẽ góp phần quan trọng làm gia tăng tính minh bạch, bền vững của nền tài chính quốc gia, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Năm 2025, KTNN sẽ chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng chuyên nghiệp, nhằm đạt mục tiêu “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”.

sua_7a.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của KTNN. Ảnh: M. THÚY

Năm 2025 thực hiện 116 nhiệm vụ kiểm toán

Năm 2025, tiếp tục với tinh thần “gọn nhưng chất lượng”, KTNN đặt ra mục tiêu: “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán với phương châm "An toàn - Uy tín", đặc biệt là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Theo đó, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán với 116 nhiệm vụ, giảm so với năm 2024 là 05 nhiệm vụ, trong đó, ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch kiểm toán năm 2025 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN và các chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Tập trung nguồn lực, ưu tiên kiểm toán các chuyên đề phục vụ giám sát

7b.jpg
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Văn Lương. Ảnh: TL

Để thực hiện kế hoạch kiểm toán đạt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Vụ Tổng hợp cho rằng, năm 2025, KTNN cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Thủ trưởng các đơn vị, các trưởng đoàn kiểm toán trong quá trình tổ chức kiểm toán cần bám sát hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2025 đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành để xây dựng kế hoạch kiểm toán và triển khai thực hiện; trong đó tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức kiểm toán các nội dung liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đặc biệt lưu ý tập trung kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, như: đầu tư công, công tác quản lý, sử dụng đất đai, bán đấu giá nhà nước thuộc sở hữu nhà nước, khai thác tài nguyên, khoáng sản… để làm rõ hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, nâng cao chất lượng báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, báo cáo ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. KTNN cần xác định đây là các nhiệm vụ quan trọng cần phải triển khai mạnh mẽ và quyết liệt.

Bên cạnh đó, chú trọng bố trí thời gian, nhân sự cho công tác kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách, phát hiện những kẻ hở của chính sách có nguy cơ thất thoát hoặc giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực công, từ đó có kiến nghị phù hợp để kịp thời điều chỉnh chính sách. Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là nhiệm vụ quan trọng đáp ứng nguồn thông tin tin cậy cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước thực hiện một cách triệt để, quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán trong môi trường số

Thêm vào đó, KTNN cần đổi mới tổ chức kiểm toán, hoàn thiện các phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn và hướng dẫn kiểm toán phù hợp với hệ thống Chuẩn mực KTNN mới ban hành. Đẩy mạnh việc phát triển dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán trong môi trường số theo hướng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; từng bước chuyển đổi từ kiểm toán truyền thống sang kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; nhanh chóng áp dụng các thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào công tác kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực kiểm toán.

Song song với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quyết định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và các quy định khác có liên quan. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán, đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng hoặc cố tình bỏ sót, bỏ lọt các vi phạm, hạn chế của đơn vị được kiểm toán; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; góp phần giữ vững và nâng cao uy tín nghề nghiệp của KTNN nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.

Ngoài ra, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc công khai này sẽ tạo áp lực dư luận, áp lực của công chúng về trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng, từ đó tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan này, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công, hạn chế tối đa việc lãng phí, thất thoát./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán