Gian lận, sai sót gây thiệt hại nặng nề
GAO đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của tính liêm chính trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách. Việc vi phạm tính liêm chính làm mất lòng tin của người dân vào Chính phủ và cản trở nỗ lực của các cơ quan công trong việc thực hiện nhiệm vụ. Do đó, GAO đã tiến hành rà soát thông tin để xác định những khoản thanh toán sai được báo cáo trong năm tài chính 2023.
Các khoản thanh toán sai và gian lận là những vấn đề dai dẳng trong chính quyền Liên bang. Kể từ năm 2003 đến nay, ước tính tổng số tiền thanh toán sai của các cơ quan hành pháp đã lên tới khoảng 2.700 tỷ USD. Riêng năm tài chính 2023, các cơ quan Liên bang ước tính 236 tỷ USD là các khoản thanh toán sai trong 71 lĩnh vực, chương trình.
Trong đó, khoảng 200 tỷ USD liên quan đến 6 chương trình ưu tiên: Bảo hiểm y tế quốc gia Medicare, bảo hiểm y tế cho đối tượng có thu nhập thấp Medicaid tại Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh; bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ Lao động; bảo vệ tiền lương tại Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ; tín dụng thuế thu nhập của Bộ Tài chính; thu nhập an sinh bổ sung của Cơ quan An sinh xã hội.
Bên cạnh đó, GAO chỉ ra rằng, các khoản thanh toán sai trong 6 chương trình cũng như các kiến nghị của GAO chưa được giải quyết, thực hiện đầy đủ. Các chương trình trên đã nằm trong danh sách các lĩnh vực rủi ro cao, dễ bị gian lận, lạm dụng và quản lý sai. Các cơ quan đã có những tiến triển trong việc thực hiện kiến nghị của GAO, tuy nhiên cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính liêm chính trong thanh toán và giải quyết những kiến nghị còn lại.
Tháng 4/2024, GAO ước tính tổng thiệt hại tài chính trực tiếp hằng năm trên toàn Chính phủ do gian lận từ 233 tỷ đến 521 tỷ USD. Việc loại trừ các khoản thanh toán sai sót, gian lận là yếu tố rất quan trọng để bảo vệ ngân sách, giúp tiết kiệm chi phí và cải thiện năng lực quản lý tài chính của Chính phủ.
Kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát
GAO đã xác định các hành động mà Quốc hội có thể thực hiện để tăng cường giám sát, đồng thời yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm về việc giảm thanh toán sai và gian lận. GAO từng kiến nghị Quốc hội xem xét thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu như yêu cầu tuân thủ quy định về công tác báo cáo đối với các khoản thanh toán sai trong báo cáo tài chính hằng năm; yêu cầu các cơ quan báo cáo về những biện pháp kiểm soát gian lận và nỗ lực quản lý rủi ro gian lận. Hoạt động báo cáo sẽ giúp tăng cường sự giám sát của Quốc hội để đảm bảo tốt hơn công tác phòng ngừa gian lận trong mọi hoạt động, đặc biệt là các trường hợp khẩn cấp.
Quốc hội có thể thiết lập một trung tâm phân tích thường trực để hỗ trợ công tác giám sát, xác định các khoản thanh toán sai và gian lận; yêu cầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) hướng dẫn các cơ quan xây dựng kế hoạch kiểm soát nội bộ; sửa đổi Đạo luật an sinh xã hội nhằm đưa ra yêu cầu đối với cơ quan an sinh xã hội trong việc chia sẻ toàn bộ dữ liệu với hệ thống thông tin của Bộ Tài chính.
GAO cũng kiến nghị, cần yêu cầu giám đốc tài chính của các cơ quan công tăng cường các biện pháp kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính và thông tin tài chính quan trọng, đảm bảo độ tin cậy và tính hợp lệ của các báo cáo, giám sát các kế hoạch hành động khắc phục, phê duyệt phương pháp ước tính sai sót. Cần làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của OMB và Bộ Tài chính trong việc đảm bảo chất lượng dữ liệu chi tiêu ngân sách Liên bang, yêu cầu Tổng thanh tra của các cơ quan định kỳ xem xét các dữ liệu tài chính.
Bên cạnh đó, Quốc hội có thể sử dụng nhiều công cụ khác để tăng cường giám sát, buộc các cơ quan nhà nước phải nâng cao trách nhiệm, khuyến khích các cơ quan hành pháp cải thiện tính liêm chính, nỗ lực hơn trong phòng ngừa gian lận. Ví dụ, Quốc hội có thể tiến hành việc chấm điểm, theo dõi hoạt động của các cơ quan trong việc ngăn ngừa, phát hiện, thu hồi các khoản thanh toán sai và giảm gian lận trong quá trình thực hiện các chương trình của Chính phủ./.
(Theo GAO và tổng hợp)