Kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm toán tại đơn vị. Ảnh minh họa |
Những lưu ý trong thực hiện kiểm toán
Theo các chuyên gia, thời gian qua, KTNN đã thể hiện vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong quá trình minh bạch hóa cũng như nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa. Việc kiểm toán DN mà Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ là yêu cầu cấp thiết và đã được ghi nhận trong Luật KTNN, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTNN.
Theo Luật KTNN 2015, đối tượng kiểm toán không còn bó hẹp ở DN 100% hoặc trên 50% vốn nhà nước mà bao gồm cả những công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tiếp đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-KTNN ngày 06/01/2021 về Hướng dẫn kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Hướng dẫn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán đối với cuộc kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. |
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức thực hiện kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống là rất quan trọng. Nó khẳng định vai trò, vị thế của KTNN nhằm tiệm cận đến việc thực hiện kiểm toán toàn diện hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Tuy nhiên, để thực hiện kiểm toán hiệu quả, sát thực, KTNN cần nghiên cứu áp dụng phù hợp các quy định của hệ thống pháp luật có liên quan về kiểm toán; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Luật DN.
Đưa ra những lưu ý cụ thể cho KTNN khi thực hiện kiểm toán, ông Lê Minh Nam cho biết, từ thực trạng đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, khi kiểm toán với đối tượng này, KTNN cần xác định cụ thể mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán nhằm làm tốt vai trò kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần làm lành mạnh nền tài chính công quốc gia.
Theo đó, triển khai kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, KTNN cần tập trung vào những mục tiêu cơ bản như: đánh giá tính trung thực, hợp lý về thông tin phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; đánh giá tính tuân thủ pháp luật nhà nước, các cơ chế chính sách và quy định của DN đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Dẫn Quyết định số 22/QĐ-KTNN của KTNN, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, do đặc điểm phần vốn nhà nước tại các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, nội dung kiểm toán phải được xác định phù hợp với mục tiêu kiểm toán; phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán cụ thể”.
Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán
Trong bối cảnh tình hình mới, đòi hỏi KTNN cần tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm toán đối với các DN mà Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống. Để thực hiện hiệu quả công tác này, KTNN cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Theo Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN Nguyễn Hồng Long, để thực hiện được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, KTNN cần nâng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, xây dựng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán; chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, kiểm toán viên bảo đảm yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu đối với hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng nâng cao.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, khi thực hiện kiểm toán các DN mà Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, kiểm toán viên có trách nhiệm sử dụng các phương pháp chuyên môn theo quy định của KTNN nhằm thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu; điều tra đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán. Việc lựa chọn phương pháp, thủ tục kiểm toán cụ thể sẽ phụ thuộc vào đánh giá rủi ro kiểm toán hay phân tích các vấn đề, nội dung kiểm toán cụ thể.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cũng đưa ra lưu ý, đối với các kiểm toán viên khi tham gia hoạt động kiểm toán, cần bám sát mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán tại kế hoạch kiểm toán tổng quát được duyệt; chú trọng, tăng cường kiểm toán tuân thủ, đánh giá trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại DN theo quy định trong kiểm toán các DN có dưới 50% vốn nhà nước; thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và phù hợp với các đánh giá, nhận xét, kiến nghị kiểm toán; nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, biên tập kiến nghị kiểm toán cụ thể, rõ đối tượng kiến nghị và đảm bảo tính khả thi của kiến nghị kiểm toán.