Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly |
Đề tài do CN. Nguyễn Thị Hồng Việt và CN. Đào Thị Thu Trang (KTNN khu vực VIII) đồng chủ nhiệm. ThS.Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Đề tài, tài nguyên rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khí quyển, đất đai, mùa màng, cung cấp các nguồn gen động thực vật quý hiếm cùng nhiều lợi ích khác. Rừng là nguồn tài nguyên quan trọng của nước ta, gồm ba nhóm: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trong đó, rừng sản xuất là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Do vậy, cần phải quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Mặc dù công tác quản lý rừng, đất rừng ngày càng có sự chuyển biến tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương được nâng lên nhưng tình trạng chặt hạ cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương. Qua từng năm, thiệt hại về tài nguyên rừng tăng, trong khi công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ.
Thêm vào đó, một số dự án đầu tư để xảy ra phá rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; việc điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm còn chậm, chưa quyết liệt và triệt để. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do lực lượng chức năng chưa thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục còn thấp.
Mặt khác, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị, thậm chí có sự bao che, dung túng của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng cho các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, người nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý rừng, đất rừng.
Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly |
Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng lồng ghép vào các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Lâm nghiệp năm 2017 chưa quy định đầy đủ và toàn diện về vai trò của KTNN trong công tác quản lý rừng, đất rừng. Các quy định về việc kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý rừng, đất rừng vẫn chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kiểm toán.
Về phía KTNN, các cuộc kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng chủ yếu được lồng ghép trong kiểm toán ngân sách địa phương hoặc kiểm toán công tác sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp. Do vậy, KTNN cũng chưa xây dựng quy trình, hệ thống mẫu biểu riêng đối với cuộc kiểm toán nội dung này.
Trước thực trạng nêu trên, Nhóm tác giả đã nghiên cứu Đề tài “Hoàn thiện công tác kiểm toán quản lý rừng và đất rừng do KTNN khu vực thực hiện” nhằm hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung và phân tích thực trạng công tác kiểm toán quản lý rừng, đất rừng; từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác kiểm toán quản lý rừng và đất rừng do KTNN các khu vực thực hiện.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng Khoa học đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài. Từ thực trạng kiểm toán quản lý rừng và đất rừng trong thời gian qua, các tác giả đã chỉ ra những hạn chế trong công tác tổ chức kiểm toán quản lý rừng và đất rừng, từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp. Đặc biệt, Ban Đề tài đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật khi đề xuất một số nội dung xây dựng hướng dẫn kiểm toán quản lý rừng và đất rừng.
Để Đề tài hoàn thiện và nâng cao khả năng ứng dụng, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung những yếu tố cơ bản tác động đến kiểm toán quản lý rừng và đất rừng; nội dung kiểm toán các khoản đầu tư của NSNN cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kinh nghiệm kiểm toán công tác quản lý rừng của các cơ quan kiểm toán tối cao, đặc biệt là cơ quan kiểm toán Indonesia - một trong những đầu mối có nhiều kinh nghiệm và thường xuyên hỗ hợ đào tạo về kiểm toán rừng.
Ngoài ra, Ban Đề tài có thể đi sâu phân tích thêm những hạn chế liên quan đến hệ thống dữ liệu lớn (big data) về rừng và đất rừng dẫn đến việc kiểm toán viên không có cơ sở để đối chiếu mà chỉ đánh giá theo báo cáo do các cơ quan quản lý nhà nước về rừng và đất rừng cung cấp.
Từ đó, Ban Đề tài đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu lớn về rừng và từng bước ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý, thông tin địa lý toàn cầu GIS vào hoạt động kiểm toán rừng và đất rừng có hiệu quả...
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.