Nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

(BKTO) - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) góp phần giúp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (QPAN) quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, từ đó nâng cao tiềm lực, xây dựng lực lượng vũ trang “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-nguyen-tuan-anh-danh-gia-de-tai-co-y-nghia-thuc-tien-cao-doi-voi-hoat-dong-cua-ktnn-.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao đối với hoạt động của KTNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiều 28/12, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng NSNN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh” do ThS. Thái Thị Lan (KTNN chuyên ngành Ia) và ThS. Nguyễn Việt Anh (KTNN chuyên ngành Ia) đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng và Ban đề tài.

quang-canh-cuoc-hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Thái Thị Lan, ngân sách QPAN là một bộ phận của ngân sách nhà nước, vì vậy, quản lý và kiểm soát ngân sách QPAN cũng phải tuân theo những quy định chung về quản lý ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động quân sự nên việc chi tiêu, sử dụng ngân sách QPAN cũng chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác. Điều đó đòi hỏi phải có những quy định, cách thức quản lý kiểm soát ngân sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Mặt khác, cùng với sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố tiềm lực quốc phòng ngày càng cao, nhu cầu ngân sách QPAN chi cho mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, huấn luyện, đào tạo tăng. Trước yêu cầu của xã hội và cũng để phù hợp với xu thế của các nước trong khu vực và thế giới, mọi khoản chi tiêu ngân sách đều phải được công khai, minh bạch. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm kiểm toán, kiểm soát, quản lý ngân sách QPAN của một số quốc gia để rút ra bài học cho Việt Nam là thực sự cần thiết.

ths.-thai-thi-lan-trinh-bay-ket-qua-nghien-cuu.jpg
ThS. Thái Thị Lan trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Thời gian qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán, gửi đến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm giúp các đơn vị có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý tài chính, tài sản, phòng chống lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, do đặc thù riêng của lĩnh vực QPAN nên cách thức tổ chức kiểm toán, phương pháp, quy trình, hướng dẫn và kết luận kiểm toán chưa đạt được kỳ vọng, các kiến nghị của KTNN còn khiêm tốn. Vì vậy, thời gian tới, KTNN cần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, từ công tác xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức thực hiện nhằm bao quát và có những đánh giá, kết luận kiểm toán đầy đủ, kịp thời, tư vấn, kiến nghị giúp các đơn vị trong lĩnh vực QPAN quản lý, sử dụng ngân sách hiệu quả.

ths.-ngo-minh-kiem-kiem-toan-truong-ktnn-khu-vuc-vii-goi-mo-mot-so-noi-dung-cho-ban-de-tai.jpg
ThS. Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII gợi mở một số nội dung cho Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đã khái quát và đưa ra lý luận về kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực QPAN; khái quát được đặc điểm, tình hình, nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động kiểm toán; đánh giá thực tiễn hoạt động kiểm toán và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách trong lĩnh vực QPAN trong thời gian tới.

Để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung khái niệm chất lượng kiểm toán và các tiêu chí đánh giá chất lượng kiểm toán công tác quản lý, sử dụng ngân sách QPAN; phân tích sâu hơn những hạn chế trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán từ khâu xây dựng kế hoạch đến thực hiện kiểm toán và lập, gửi báo cáo kiểm toán làm cơ sở cho các giải pháp; nghiên cứu đề xuất các giải pháp để kiểm toán xác nhận được tính trung thực hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, lĩnh vực QPAN có đặc thù riêng, vì vậy, đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao đối với hoạt động của KTNN trong trung hạn và dài hạn.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó tập trung đánh giá thực trạng kiểm toán, những mặt đã làm được và hạn chế, nguyên nhân, từ đó kiến nghị giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, Ban đề tài cần nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp, kiến nghị thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh