Các đơn vị kiểm toán tiếp tục tập trung, chú trọng việc nâng cao chất lượng xây dựng KHKT. Ảnh tư liệu
Chú trọng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu
Theo đánh giá của KTNN, việc khảo sát, xây dựng KHKT có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các công việc kiểm toán và đánh giá chất lượng kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của cuộc kiểm toán. Trên cơ sở bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KHKT hằng năm được KTNN chủ động xây dựng, với sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai.
Đặc biệt, từ năm 2020, KTNN tiếp tục đổi mới phương pháp lập KHKT và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu, nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị; đưa vào ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Từ kinh nghiệm tham gia lập KHKT tại đơn vị, đại diện Phòng Tổng hợp (KTNN chuyên ngành Ib) cho rằng, để nâng cao chất lượng KHKT, cần nâng cao chất lượng xây dựng, lập đề cương khảo sát trước khi gửi đơn vị được kiểm toán. Theo đó, đề cương khảo sát phải được lập đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu cần thu thập; phải tổ chức thẩm định để xây dựng hệ thống đề cương khảo sát mẫu theo từng lĩnh vực. Đối với mỗi đơn vị kiểm toán, cần giao nhiệm vụ cụ thể cho một nhóm đầu mối để tạo lập, xây dựng kho cơ sở dữ liệu thông tin về các đầu mối, đơn vị được kiểm toán để giảm thời gian, khối lượng công việc khảo sát. Bên cạnh đó, trước khi trình Hội đồng cấp Vụ về dự thảo KHKT, các đoàn kiểm toán phải tổ chức họp để phân tích các thông tin đã thu thập nhằm có đánh giá đúng trong đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; đánh giá mức độ tin cậy, tính hợp pháp, hợp lý của các thông tin đã thu thập được; có quy định trách nhiệm đối với thành viên đoàn kiểm toán nếu dự thảo KHKT phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác kiểm soát, thẩm định dự thảo KHKT từ khâu thẩm định đề cương khảo sát...
Xác định rõ danh mục kiểm toán để tránh chồng chéo
Bên cạnh việc xác định rủi ro và trọng yếu trong lập KHKT, một trong những yếu tố quan trọng khác có tính quyết định đến chất lượng KHKT, đó là việc xác định đúng, sát danh mục kiểm toán. Ngay từ năm 2018, lãnh đạo KTNN đã quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm toán, trong quá trình lập KHKT phải chú trọng đến việc xây dựng danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trước khi ban hành KHKT chính thức, KTNN đã chủ động làm việc với Thanh tra Chính phủ về dự kiến KHKT và Kế hoạch thanh tra, để cùng rà soát, thống nhất từng cuộc kiểm toán, thanh tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp.
Theo đại diện Vụ Tổng hợp, để chuẩn bị cho công tác lập KHKT năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán tập trung, nâng cao chất lượng KHKT, đảm bảo các nội dung công việc phù hợp với nguồn lực của đơn vị, cân đối hài hòa giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo của KTNN, đặc biệt là cân đối thời gian triển khai, kết thúc và phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định của Luật KTNN.
Đồng thời, các đơn vị cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc hướng dẫn xây dựng KHKT; đẩy nhanh việc xác định chính xác, đầy đủ các đầu mối, đơn vị, dự án được kiểm toán chi tiết đối với từng cuộc kiểm toán. Để thực hiện tốt yêu cầu này, các đơn vị cần tập trung khảo sát, thu thập và trao đổi thông tin chính xác nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng kiểm toán giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra với KTNN và giữa các đơn vị trong Ngành, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phải điều chỉnh đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán trong quá trình thực hiện.
Tại Công văn số 638/KTNN-TH, để lựa chọn và quyết định KHKT năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán tổ chức rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin đầu mối, đơn vị kiểm toán thuộc phạm vị quản lý vào Phần mềm Cơ sở dữ liệu đầu mối đơn vị kiểm toán; triển khai áp dụng phương pháp tiếp cận rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với một số lĩnh vực kiểm toán: dự án đầu tư, ngân sách, DN, ngân hàng. Đối với chủ đề kiểm toán, các đơn vị chủ động thu thập thông tin, xác định rõ phạm vi, nội dung kiểm toán chủ yếu, đặc biệt cần dự kiến cụ thể các đầu mối, đơn vị chi tiết được kiểm toán để kịp thời báo cáo lãnh đạo KTNN.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 7/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán, bên cạnh nhiệm vụ triển khai kiểm toán theo KHKT năm 2020, cần tập trung xây dựng KHKT năm 2021 theo hướng dẫn tại Công văn số 638/KTNN-TH ngày 15/6/2020, trong đó phấn đấu kiểm toán ngân sách của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương có quy mô ngân sách lớn; tập trung đánh giá việc điều hành NSNN năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (việc giảm thu NSNN; các giải pháp chi hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí...). |
NGUYỄN LỘC