Tìm cách tiếp cận mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán
Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) là đầu mối chủ trì hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN. Những năm vừa qua, hoạt động khoa học và công nghệ của KTNN luôn được Trường tập trung triển khai, bám sát Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các đề tài nghiên cứu khoa học đã giúp giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, đưa ra những luận cứ khoa học cho hoạt động và phát triển của KTNN. Phần lớn các đề tài đều có phần đúc rút kinh nghiệm từ các cơ quan KTNN trên thế giới, giúp các đoàn kiểm toán có cách tiếp cận mới trong hoạt động kiểm toán, từ đó đưa vào áp dụng phù hợp với thực tiễn của Ngành. Đồng thời, giải quyết những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán mới, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước và chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN.
Dấu ấn nổi bật trong triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 trong công tác nghiên cứu khoa học là đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ độc lập cấp Quốc gia: “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ, nghiệm thu xếp loại Xuất sắc. Qua triển khai kết quả nghiên cứu, Đề tài đã hướng dẫn, đào tạo cho 2 thạc sĩ liên quan đến Đề tài. Ngoài ra, từ kết quả nghiên cứu của Đề tài, KTNN đã biên soạn và phát hành cuốn sách: “Vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.
Năm 2023, lần đầu tiên KTNN tổ chức thành công Diễn đàn: “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” với 1 phiên tổng thể và 3 hội thảo chuyên đề thu hút khoảng 700 đại biểu tham dự. Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, KTNN tổ chức thành công Hội thảo: “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”. Các hội thảo đã được dư luận đánh giá cao về mặt nội dung và công tác tổ chức. Từ kết quả nghiên cứu của các đề tài và các hội thảo khoa học, KTNN đã tổ chức chọn lọc và in ấn được 10 đầu sách về các chủ đề cấp thiết đang được xã hội quan tâm, gửi tới các đại biểu Quốc hội, được đánh giá cao về giá trị tham khảo, thiết thực phục vụ công tác giám sát, quản lý và điều hành.
Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động khoa học công nghệ
Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc KTNN, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Ngành là tiền đề quan trọng để Trường đạt được những thành quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Trường cũng đã chủ động, nỗ lực đổi mới trong việc thành lập các ban chuyên môn của Hội đồng khoa học, đổi mới công tác xét chọn và tổ chức nghiệm thu đề tài.
Cụ thể, Trường đã tham mưu lãnh đạo KTNN sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học KTNN; Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động khoa học của KTNN; ban hành các Quy chế xét chọn, tuyển chọn và nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của KTNN; Quy chế ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của KTNN. Những quy chế này đã và đang góp phần hoàn thiện các quy định, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN. Các ban chuyên môn của Hội đồng khoa học đã phát huy hiệu quả, lựa chọn được những người có năng lực, chuyên môn sâu để đưa ra những ý kiến góp ý, đánh giá sâu sắc từ khâu tư vấn xác định nhiệm vụ đến tổ chức nghiệm thu đề tài.
Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành, có sự vận động và thay đổi phù hợp với từng giai đoạn xây dựng và phát triển của KTNN.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc
Năm 2024, lần đầu tiên KTNN triển khai 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ thực hiện theo phương thức xét chọn do Thường trực Hội đồng khoa học đặt hàng với những yêu cầu về sản phẩm chặt chẽ hơn như: Cần 2 bài báo có điểm khoa học từ 0,75 trở lên, tổ chức 2 hội thảo... Qua theo dõi của Văn phòng Hội đồng khoa học, các ban chủ nhiệm đang tổ chức triển khai nghiên cứu theo đúng tiến độ và bám sát đề cương, thuyết minh đã được phê duyệt. Việc tổ chức các hội đồng nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu của các đề tài được khách quan và toàn diện hơn...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong thời gian tới, Trường sẽ bám sát một số định hướng.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động khoa học của KTNN phù hợp với các quy định của Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo hướng chú trọng chất lượng, tăng cường đề tài cấp Bộ thực hiện theo phương thức đặt hàng được bố trí kinh phí cao hơn gắn với quy trình lựa chọn, thẩm định, xét duyệt đề cương, đánh giá và nghiệm thu đề tài được thực hiện với những yêu cầu cao và khắt khe hơn; tăng cường hình thức tự túc kinh phí đối với các đề tài cấp cơ sở...
Thứ ba, công tác nghiệm thu cần tiếp tục được quản lý chặt chẽ hơn; tiếp tục mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ngoài Ngành tham gia các hội đồng nghiệm thu (30-50%) để đảm bảo tính khách quan trong quá trình đánh giá, nghiệm thu; nghiên cứu nâng các tiêu chí chấm điểm các đề tài phù hợp với các quy định của Nhà nước và thực tiễn hoạt động của Ngành.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu, theo dõi kết quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, xây dựng phần mềm quản lý khoa học hỗ trợ công tác quản lý, theo dõi được đầy đủ, chính xác, khoa học.
Có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành, có sự vận động và thay đổi phù hợp với từng giai đoạn xây dựng và phát triển của KTNN. Những đổi mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN có đóng góp tích cực và ý nghĩa đối với sự trưởng thành của KTNN, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, góp phần xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Quốc hội và Nhân dân./.