Nâng cao đạo đức Kiểm toán viên và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực

(BKTO) - Đó là tên gọi của buổi Tọa đàm trực tuyến do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tổ chức sáng ngày 22/3 tại Hà Nội.



Tham dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo và đông đảo Kiểm toán viên (KTV) các KTNN chuyên ngành, khu vực tại Hà Nội và điểm cầu trực tuyến các khu vực của KTNN.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo của KTV. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh, Tọa đàm được tổ chức trước khi các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2018, nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của kiểm toán viên. Với tinh thần đó, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề nghị các đại biểu tham gia Tọa đàm tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm giúp kiểm toán viên nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng như đối phó với các rủi ro, các hành vi tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

         
   
   “Trước khi hành động, KTV cần phải tính toán, cân nhắc thật kỹ về hậu quả của hành vi do mình gây nên. Nếu không vượt qua được cám dỗ, KTV sẽ đánh mất tương lai nghề nghiệp, ảnh hưởng đến gia đình, người thân và danh dự của chính bản thân KTV”.
   Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Đình Thăng
Vụ trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm cho biết, thời gian qua, nhằm đề cao yếu tố đạo đức của KTV, KTNN đã ban hành chuẩn mực kiểm toán số 30 - Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho các KTV là một yêu cầu quan trọng, là điều kiện đảm bảo cho KTNN hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; Quyết định số 04/2016/QĐ-KTNN ngày 29/8/2016 Ban hành quy định về Quy tắc ứng xử của KTV để yêu cầu KTV phải thực hiện đồng thời với quy định về đạo đức công vụ. Đây được coi là cơ sở để KTV rèn luyện ý thức cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ gắn với đạo đức nghề nghiệp.

Tại Tọa đàm, hơn 10 tham luận đã được tổng hợp và thông tin, qua đó tập trung nhấn mạnh vai trò của vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với kiểm toán viên; các nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức KTV trong hoạt động kiểm toán và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực được kiểm toán.

Đề cao vai trò của yếu tố đạo đức, tham luận của đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhấn mạnh: “Việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTV sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTV, của KTNN, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của KTNN”. Do đó, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, KTV phải chấp nhận và có nghĩa vụ tuân thủ triệt để các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, gồm: liêm chính, độc lập và khách quan; trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin.

Tham luận của KTNN khu vực I đã chỉ rõ các nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức KTV trong hoạt động kiểm toán và các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ nói trên và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Nhiều tham luận khác cũng chỉ rõ những hành vi tiêu cực gắn liền với lĩnh vực đơn vị thực hiện kiểm toán, như: lĩnh vực ngân sách địa phương và quản lý đất đai gắn với phát triển nhà, đô thị (tham luận của KTNN khu vực IV); lĩnh vực đầu tư xây dựng (tham luận của KTNN chuyên ngành IV); lĩnh vực ngân sách Bộ, ngành (tham luận của KTNN chuyên ngành II)…

         

   “Nếu Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán không thực hiện tốt các quy định về đạo đức nghề nghiệp thì không thể đòi hỏi KTV phải chấp hành tốt”
   Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng
Tham luận của KTNN chuyên ngành VI do Phó Kiểm toán trưởng Lê Minh Nam trình bày đã nêu bật những kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong lĩnh vực kiểm toán DN. “Để nâng cao việc tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của KTV và đối phó với hành vi tiêu cực, gian lận trong hoạt động kiểm toán cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống cơ quan KTNN, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa tổ chức, coi trọng chấp hành quy định về đạo đức” - Phó Kiểm toán trưởng Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Các tham luận cũng thống nhất cho rằng, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp và đối phó với hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN cần hoàn thiện và áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức cho KTV về tư tưởng; đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán trong việc tuân thủ quy định về đạo đức; đẩy mạnh kiểm soát việc chấp hành quy chế, quy trình, thủ tục hoạt động kiểm toán đối với các đoàn, tổ kiểm toán theo quy định hiện hành…

Trực tiếp tham gia ý kiến tại buổi Tọa đàm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm công khai, minh bạch các quy trình thực hiện kiểm toán và coi đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán. Cùng với đó, vai trò tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo đơn vị cần được đặt lên hàng đầu.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm đã điểm lại những nội dung chính được thảo luận, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị cũng như không khí thảo luận sôi nổi tại buổi Tọa đàm. Các tham luận, thảo luận đã tập trung làm rõ những nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức KTV trong hoạt động kiểm toán.

         
   
   “Khi phải đối phó với những hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện, KTV cần đề cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và coi đó là yêu cầu sống còn trong hoạt động nghề nghiệp của mình”.
   Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm
Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh, một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, đó là tăng cường các cuộc kiểm tra, đánh giá mang tính đột xuất việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước của các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán; kiểm tra việc quản lý hồ sơ, tài liệu kiểm toán của các đơn vị kiểm toán.

Toàn bộ các tham luận và ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được đơn vị chủ trì tổng hợp và trình lãnh đạo KTNN xem xét, cho ý kiến.

NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Nâng cao đạo đức Kiểm toán viên và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực