Kiểm toán Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ I - Hiệu quả từ đầu tư dự án

(BKTO) - Là dự án nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tuần hoàn tương đối hiện đại trên thế giới, Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 (tỉnh Quảng Ninh) không chỉ phù hợp về mặt quy hoạch mà còn đem lại hiệu quả kinh tế nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng thấp tại địa phương, góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia… Đây là những hiệu quả bước đầu được KTNN ghi nhận qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án.



Dự án đầu tư phù hợpvới quy hoạch

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 được phê duyệt theo Quyết định số 190/QĐ-EVN-HĐQT ngày 28/02/2007 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Quy mô của Dự án thuộc nhóm A, với 2 tổ máy có công suất 1.000MW. Ngoài ra, Dự án còn thực hiện một số hạng mục dùng chung cho toàn bộ Trung tâm Điện lực Mông Dương với công suất khoảng 2.000 - 2.200MW. Tổng mức đầu tư của Dự án (sau 3 lần điều chỉnh) là hơn 37.403 tỷ đồng, tương đương gần 1,77 tỷ USD từ nguồn vốn vay và vốn đối ứng.

Dự án được triển khai dưới dạng Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) do Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco3) là chủ đầu tư và Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 là đại diện chủ đầu tư.

Theo Báo cáo kiểm toán, Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Mông Dương được quy hoạch theo Quyết định số 31/QĐ-BCT ngày 06/01/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và được quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 2510/QĐ-UBND ngày 17/7/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Mặc dù chưa thuộc danh mục được phê duyệt của Quy hoạch phát triển lưới điện V nhưng Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thuộc 14 công trình ưu tiên theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 về quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010 và được bổ sung quy hoạch tại Quy hoạch phát triển lưới điện IV theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai tốt công tác quy hoạch phát triển lưới điện được Chính phủ phê duyệt, EVN đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục cần thiết, làm cơ sở trình Bộ Công nghiệp phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Kết quả kiểm toán cho thấy, về cơ bản, chủ trương đầu tư Dự án bước đầu đã được triển khai phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước trong đầu tư xây dựng công trình, nhằm đảm bảo mục tiêu đã được phê duyệt, đó là tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong hệ thống và góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định trong các tháng mùa khô kiệt.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư Dự án đã lựa chọn được đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện công tác khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng Dự án phù hợp với quy hoạch được duyệt, với mục đích sử dụng hết than chất lượng xấu được khai thác từ các mỏ thuộc khu vực Mông Dương - Cẩm Phả; đồng thời đóng góp vào việc giải quyết nhu cầu phụ tải điện của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng như cả nước.

Kết quả kiểm toán cũng nêu rõ, Dự án được lập, thẩm định và phê duyệt cơ bản đã tuân thủ các quy định tại thời điểm lập Dự án cũng như các quy định của Nhà tài trợ theo nội dung của Hiệp định vay đã ký với Chính phủ Việt Nam; phương án tài chính được lập, thẩm định và phê duyệt đúng trình tự, thẩm quyền. Các chỉ tiêu tính toán tài chính như: tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính; giá trị hiện tại ròng tài chính; hệ số lợi ích/chi phí tài chính; thời gian hoàn vốn có chiết khấu; tỷ suất lợi nhuận cơ bản áp dụng đúng quy định về phương pháp tính toán. Các kết quả kiểm tra, tính toán đều cho thấy Dự án có hiệu quả về mặt kinh tế.

Lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp

Đánh giá về việc lựa chọn công nghệ của Dự án, KTNN cho rằng, việc lựa chọn công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tuần hoàn công suất 2x500MW cho nhà máy là tương đối hiện đại trên thế giới và đây là nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng. Công nghệ này giúp sản xuất nguồn điện tương đối ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết, thời gian xây dựng nhanh.

Việc áp dụng công nghệ này là phù hợp do đốt được than khó bắt cháy, hiệu suất cháy cao, ổn định và không đóng xỉ, phù hợp với nhiên liệu chính của nhà máy là loại than antraxit có chất lượng thấp được khai thác tại khu vực Mông Dương - Cẩm Phả, giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương án thải xỉ ướt cũng đảm bảo được yêu cầu về môi trường.

Cùng với lựa chọn công nghệ phù hợp, hiệu quả từ công tác đấu thầu của Dự án cũng được KTNN ghi nhận trong Báo cáo kiểm toán. Theo đó, việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi cho các gói thầu có giá trị lớn đã giảm được chi phí đầu tư 186,53 tỷ đồng, với tỷ lệ giảm giá thầu trung bình 19% giá trị gói thầu, góp phần đảm bảo tính kinh tế của Dự án.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2016), Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng, đảm bảo chạy ổn định, bước đầu đã thu được lợi nhuận và tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hơn 380 cán bộ, công nhân của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Đặc biệt, Dự án được đưa vào khai thác, sử dụng đảm bảo nguồn điện cung cấp cho khu vực miền Bắc, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia. (Kỳ sau đăng tiếp)

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018
Cùng chuyên mục
  • KTNN khu vực I: Đưa ra nhiều kiến nghị kiểm toán quan trọng
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Theo KTNN khu vực I, trong năm 2017, đơn vị đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều kiến nghị kiểm toán quan trọng. Ước tính, qua thực hiện 12 cuộc kiểm toán, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN hơn 1.900 tỷ đồng, giảm chi NSNN trên 430 tỷ đồng, xử lý tài chính khác hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn kiến nghị UBND các cấp, các cơ quan có thẩm quyền xử lý tài chính theo quy định với tổng số tiền hơn 6.800 tỷ đồng.
  • Tọa đàm rà soát, sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 14/3, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) đã tổ chức Tọa đàm “Rà soát, sửa đổi Luật KTNN năm 2015”.
  • Khai giảng các lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng ngày 22/3, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán DN (cấp độ 1). Tham dự buổi khai giảng có PGS, TS Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và các học viên đến từ 14 đơn vị.
  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2018, Việt Nam tiếp tục thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán theo các cam kết về hội nhập quốc tế. TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) - đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán xung quanh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán và triển vọng của thị trường dịch vụ này.
  • Kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá: Kỳ cuối - Bất cập trong chính sách thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN những năm qua, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hóa, nhất là sự không thống nhất giữa các Nghị định của Chính phủ với các Thông tư hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Kiểm toán Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ I - Hiệu quả từ đầu tư dự án