Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(BKTO) - Ngày 20/4, tại Quảng Bình, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực Bắc Trung bộ”.

photosmile.vn_-10-.jpg
Đoàn chủ tọa điều hành Hội nghị. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW nhấn mạnh, trong 5 năm qua, các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển khá nhanh, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng tăng nhanh, diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng cao nhất so với các vùng trên cả nước, tăng 0,9% so với trước khi có Chỉ thị số 13-CT/TW. Đặc biệt, Bắc Trung bộ là khu vực đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho triển khai thí điểm chuyển nhượng tín chỉ carbon.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp, nhất là xã hội hóa nghề rừng được tăng cường, ngày càng thực chất hơn.

Đồng thời, các vụ việc vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được xử lý kịp thời, nghiêm túc. Lợi ích kinh tế từ rừng ngày càng được khẳng định rõ nét hơn; bộ mặt nông thôn, miền núi khu vực có rừng có nhiều thay đổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc mà các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ cần tiếp tục khắc phục.

Chẳng hạn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tình trạng xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp.

Mặt khác, cơ cấu cây trồng chưa đa dạng, năng suất, hiệu quả còn thấp; việc ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển lâm nghiệp hiệu quả còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với chủ rừng và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ…

tb_204.jpg
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương

Tại Hội nghị, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị; đồng thời đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã trình bày một số báo cáo chuyên đề về các nội dung như: thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon rừng; thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng tại khu vực Bắc Trung bộ…

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Trước hết, các địa phương trong vùng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do.

Song song với đó, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, nhất là đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Mặt khác, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…/.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng