Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Gần 10 năm qua, KTNN đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị DN cổ phần hóa (CPH) với hơn 30 DN thuộc các lĩnh vực khác nhau. Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DN CPH.




Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DN CPH.Ảnh: MinhThúy

Phát hiện nhiều hạn chế trong xác định giá trị doanh nghiệp

Những hạn chế, vướng mắc trong quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DN CPH được KTNN chỉ ra qua hoạt động kiểm toán như: báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN chưa được điều chỉnh theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền; xác định giá trị tài sản, công nợ không chính xác ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định... Điều này đã làm giảm giá trị thực tế vốn nhà nước tại các DN trên 30.000 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, việc hướng dẫn áp dụng tỷ giá ngoại tệ khi xác định giá trị tài sản đã hạch toán bằng ngoại tệ, nợ phải trả có gốc ngoại tệ không thống nhất; chưa có hướng dẫn xác định giá trị tiềm năng phát triển đối với các trường hợp công ty mẹ không có lợi nhuận sau thuế nhưng các công ty phụ thuộc hạch toán đầy đủ và có lợi nhuận sau thuế đồng thời nộp thuế thu nhập DN tại địa phương; quy định về xác định giá trị vốn góp của DN CPH vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tại một số văn bản không thống nhất về thời điểm tổ chức thực hiện; thiếu hướng dẫn việc loại trừ ảnh hưởng của lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện khi tính toán dòng tiền tự do; chưa quy định tiêu chí lựa chọn phương pháp để tính toán tỷ suất lợi nhuận dự kiến khi đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam (chỉ số Rm) được xác định giá trị DN bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do...

Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cho phù hợp với thực tế; xác định tiềm năng phát triển của công ty mẹ trong trường hợp các công ty phụ thuộc hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, có lợi nhuận sau thuế và nộp thuế thu nhập DN tại địa phương đầy đủ; thời điểm xác định giá trị các khoản vốn góp vào các công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán; nghiên cứu ảnh hưởng của các khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và phương pháp tính toán được xác định giá trị DN bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 để có hướng dẫn phù hợp.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình kiểm toán còn một số khó khăn, vướng mắc. Tiến độ CPH của các DN vẫn chậm, đặc biệt là việc xử lý tài chính và xác định giá trị DN dẫn đến nhiều trường hợp tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền gửi hồ sơ và đề nghị KTNN kiểm toán nhưng thời gian còn lại theo quy định để công bố giá trị DN không nhiều, điều này đã tạo áp lực về thời gian, nhân sự để đảm bảo chất lượng kiểm toán. Hơn nữa, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện nghiêm việc gửi danh sách thông báo thời gian thực hiện CPH các DN đến KTNN để KTNN xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán. Bất cập này làm ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự, nhất là việc thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán. Công tác phối hợp của các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là sự phối hợp giữa DN và đơn vị tư vấn định giá đôi khi chưa tốt…

6 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán

Để nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình CPH DNNN, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, KTNN cần xác định rõ một số giải pháp cơ bản:

Một là, đơn vị được giao chủ trì kiểm toán chủ động thu thập thông tin về các DN đang trong quá trình hoặc sẽ CPH trong tương lai gần thuộc đối tượng kiểm toán theo quy định của Chính phủ, tích cực phối hợp có hiệu quả với các DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN và các cơ quan có liên quan để chủ động lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.

Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chủ trì kiểm toán với các vụ tham mưu trong quá trình kiểm toán; chủ động trong đề xuất và làm việc với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả kiểm toán.

Ba là, tăng cường số lượng kiểm toán viên có trình độ, năng lực phù hợp cho các đơn vị thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và các đơn vị tham mưu thẩm định kế hoạch, báo cáo kiểm toán; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ kiểm toán viên thực hiện kiểm toán lĩnh vực này.

Bốn là, rà soát lại đề cương hướng dẫn kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị DN theo hướng chi tiết, sát với thực tiễn, đi sâu hướng dẫn kỹ năng kiểm toán, thủ tục kiểm toán những phần hành quan trọng... tạo sự thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán.

Năm là, tập trung trí tuệ, năng lực để kiểm toán tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách liên quan đến CPH DNNN, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cũng như làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Sáu là, tăng cường công khai kết quả kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; cung cấp thông tin để các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quá trình CPH DNNN.

T.HƯỜNG (ghi)
Lược ghi tham luận của TS. HOÀNG VĂN LƯƠNG
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán