Với vị trí địa lý thuận lợi, thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 1.236km2 và nguồn tài nguyên phong phú, những năm qua, để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, quyết định như: Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Nghị quyết số 81 của HĐND tỉnh về tiếp tục tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý Nhà nước hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 24 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 29 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1851 về điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2025; Quyết định số 62 về quy hoạch giá đất các loại trên địa bàn tỉnh 5 năm 2020 - 2024.
Hằng năm, tỉnh đều dành từ 30% - 50% nguồn thu từ đất cho công tác quản lý tài nguyên nói chung, tài nguyên đất nói riêng. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, kịp thời tham mưu tỉnh các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, nhất là đối với đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, giai đoạn 2013 - 2015, ngân sách tỉnh chi gần 175 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2023 chi trên 800 tỷ đồng cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, với nhiều cách làm mới, sáng tạo trong quản lý, sử dụng tài nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy được tối đa nguồn lực từ đất cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là căn cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển các huyện, thành phố; tiến hành khoanh vùng diện tích đất chuyên trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt đến năm 2030; thực hiện việc thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất triển khai các dự án đầu tư; triển khai thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý đất đai.
Tính từ năm 2020 đến nay, cả tỉnh đã giải quyết xong trên 12.000 trường hợp/17.335 trường hợp vi phạm Luật Đất đai phát sinh trước ngày 16/3/2020.
Đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nước và khí tượng thủy văn, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các quy hoạch thăm dò địa chất, khoáng sản sơ bộ trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch vật liệu xây dựng; Quy hoạch vật liệu phụ gia trong xây dựng; Quy hoạch đất san lấp; Quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế khai thác khoáng sản. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và đất đai đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tính từ năm 2012 đến nay, Vĩnh Phúc đã cấp 52 giấy phép thăm dò khoáng sản; 129 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 22 điểm mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực, chủ yếu là khai thác đất san lấp phục vụ san nền các dự án xây dựng, giao thông, các khu công nghiệp trên địa bàn bàn tỉnh; ban hành gần 160 quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch.
Đồng thời, thực hiện 24 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới luồng tiêu, 8 dự án trạm bơm tiêu động lực; xây dựng 22,4 km kè chống sạt lở và biến đổi dòng chảy tại các huyện Vĩnh Tường, Sông Lô, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, thực tế, việc quản lý, khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, nhất là đối với lĩnh vực đất đai, bởi hệ thống chính sách pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có phần mềm thống nhất dùng chung cả nước về dữ liệu đất đai.
Ngoài ra, việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, khí tượng thủy văn do công tác điều tra cơ bản về khoáng sản chưa được thực hiện một cách đầy đủ, hệ thống và quy hoạch khoáng sản chưa mang tính bao quát, dự báo, tính toán được đầy đủ nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương nên việc quản lý lĩnh vực này cũng rất khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn trên và thiết lập trật tự trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 729 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 23 của Chính phủ về quản lý cát sỏi lòng sống và bảo vệ lòng, bờ bãi sông; Chỉ thị số 38 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 29 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với thành phố Hàn Nội và các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, Công an các huyện, xã tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm về khai thác khoáng sản, không để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra; đề xuất cấp có thẩm quyền định chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoảng sản theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đóng cửa mò đối với các điểm mỏ đã hết hạn; kiên quyết không đề xuất UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác đối với điểm mỏ mới.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm quy định. Cục Thuế tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra, theo dõi, quản lý việc kê khai nội thuế của các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng mua bán hóa đơn, làm thất thu thuế, thất thoát tài nguyên khoáng sản.