Nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(BKTO)- Sau 10 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã giúp hàng triệu lao động được hưởng lợi, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ BHTN cũng như đưa chính sách BHTN vào cuộc sống đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả là những vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, giới chuyên gia.



Vẫn nặng về chi trả cho người thất nghiệp

BHTN ở nước ta chính thức được thực hiện từ 01/01/2009, sau 10 năm triển khai, chính sách BHTN đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách này thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi các cơ quan quản lý lắng nghe, điều chỉnh chính sách để tổ chức việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn.

Theo quy định, người lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng đầy đủ 4 chế độ gồm: Trợ cấp thất nghiệp (TCTN); tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia BHTN từ đủ 9 tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho DN để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, BHXH đã tổ chức chi trả TCTN cho 763.573 người và hỗ trợ học nghề cho 37.960 người. Như vậy, số lượng người được hỗ trợ học nghề còn quá thấp, quá chênh lệch so với số người được chi trả TCTN từ Quỹ.
                
   

Cần đổi mới việc thực hiện chính sách BHTN

   

Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), riêng trong tháng 5/2019, cả nước có 109.593 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tăng 29,0% so với tháng 4/2019 (84.955 người), tăng 10% so với tháng 5/2018 (99.633 người), bằng 170,1% số người nộp hồ sơ bình quân năm 2018 (64.444 người). Tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước 5 tháng đầu năm 2019 là 335.982 người, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018 (287.463 người).

Có 60/63 địa phương có số người nộp hồ sơ tăng so với tháng 4/2019, tại một số địa phương tăng nhiều như: TP. Hồ Chí Minh: 20.353 người, tăng 5.377 người (35,9%) so với tháng 4/2019 và tăng 1.368 người (7,2%) so với tháng 5/2018; Hà Nội: 8.292 người, tăng 2.726 người (49,0%) so với tháng 4/2019 và tăng 1.469 người (21,5%) so với tháng 5/2018.

Cũng trong tháng 5/2019 số tiền TCTN tính theo quyết định hưởng TCTN ban hành trong kỳ là 1.536,4 tỷ đồng, số tiền chi trả hỗ trợ học nghề là 15,4 tỷ đồng.

Những con số trên đã góp phần làm rõ thêm bất cập trong việc thực hiện chính sách BHTN hiện nay. Sau 10 năm triển khai chính sách BHTN, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm còn quá ít so với số người hưởng TCTN. Chính sách BHTN hiện nay vẫn nặng về giải quyết hậu quả (khi người lao động đã rơi vào tình trạng thất nghiệp thì mới được trợ cấp và hỗ trợ đào tạo)…

Đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH thì trong thời gian tới cần phải tiếp tục cải cách chính sách BHTN nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHTN; đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHTN tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu này trên thực tế đang gặp nhiều rào cản.

Đại diện BHXH Việt Nam nêu thực trạng, hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là khu vực DN tư nhân có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng của người lao động vào Quỹ BHTN. Mặt khác, tổ chức công đoàn cơ sở ở nhiều DN chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHTN cho người lao động; sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHTN còn hạn chế, không thường xuyên.

Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm thống nhất giữa Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Luật Việc làm; đồng thời sớm ban hành nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và quản lý sử dụng quỹ nói chung, trong đó có Quỹ BHTN; có giải pháp kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các trường hợp DN chủ bỏ trốn, mất tích.

Từ thực tiễn triển khai chính sách BHTN tại địa phương, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành đề xuất, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành quy định hình thành một quỹ để đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động khi xảy ra tình trạng chủ DN bỏ trốn hoặc DN phá sản, giải thể còn nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT; sửa đổi Khoản 2, Điều 51 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 để công bằng hơn với người lao động.

Mặt khác, để chính sách BHTN được triển khai vào thực tế một cách thông suốt, hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN; sớm triển khai và ứng dụng phần mềm kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH và trung tâm dịch vụ việc làm để việc giải quyết chế độ BHTN được chính xác, kịp thời; áp dụng giao dịch điện tử trong một số thủ tục giải quyết chính sách BHTN. Cùng với đó, cần sửa đổi một số điều kiện, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp duy trì công việc cho người lao động.

Về phía Trung tâm Dịch vụ Việc làm, cần tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường lao động và các DN thực hiện nghiêm túc việc thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động.

Để kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng Quỹ BHTN, một số chuyên gia kiến nghị, có thể sử dụng mã vạch trong trợ cấp BHTN cho người lao động, từng bước rút ngắn thời gian chi trả quyền lợi cho người lao động. Theo đó, khi người dân đăng ký hưởng trợ cấp sẽ được cấp mã vạch riêng, mã vạch này sẽ giúp cho công tác đọc dữ liệu thuận tiện hơn. Mặt khác, thông qua mã vạch này, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể nhanh chóng chuyển danh sách cho BHXH tỉnh rà soát và phản hồi kịp thời. Giải pháp này không chỉ tạo niềm tin cho người lao động vào các chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: KHÁNH NAM
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của chính sách bảo hiểm thất nghiệp