Vẫn còn nhiều bất cập
Thời gian qua, việc huy động vốn theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Sau hơn 20 năm triển khai, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, BOT đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi bộ mặt giao thông cả nước. Tuy nhiên, các dự án BOT triển khai trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Thẳng thắn chia sẻ những hạn chế tại các dự án BOT phát hiện qua kiểm toán, ông Hoàng Văn Lương - Vụ Tổng hợp (KTNN) - cho rằng, theo quy định của pháp luật, có 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu và chỉ định thầu. Thực tế hiện nay, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) được cơ quan KTNN kiểm toán cho thấy đều chỉ định nhà đầu tư nên chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mặt khác, việc quản lý một số chỉ tiêu trong phương án tài chính đối với dự án BOT theo hình thức chỉ định thầu cũng tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, về doanh thu thu phí, đây là chỉ tiêu quan trọng liên quan đến việc xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, việc kiểm soát doanh thu với các trạm BOT hiện nay chỉ bao gồm công tác báo cáo doanh thu hằng tháng, quý, 6 tháng và hằng năm; thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ hằng năm. Trong thực tế, kể cả trường hợp báo cáo đầy đủ thì đó cũng chỉ là con số báo cáo của nhà đầu tư và vẫn có khả năng sai sót, thất thoát.
Từ góc nhìn DN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - ông Hồ Minh Hoàng - cho biết, Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách. Hiện nay, chính sách của Nhà nước với PPP vẫn chưa nhất quán, mới dừng ở cấp nghị định nên khi thực hiện có nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy phép đầu tư, ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà thầu xây lắp… có nhiều quan điểm khác nhau, khó giải trình trong quá trình thanh, kiểm tra về sau. Hơn nữa, việc thay đổi chính sách đầu tư BOT theo hướng quản lý như đối với vốn NSNN cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dự án, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần sớm xây dựng Luật PPP
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của những bất cập tại các dự án BOT là do thiếu minh bạch trong việc công khai quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, việc ký kết hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, cần sớm có Luật về PPP, trong đó quy định rõ về công tác công bố dự án, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, xây dựng và tôn trọng nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng đề xuất, Chính phủ cần định hướng phát triển và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư PPP kết hợp với ban hành các chính sách cho các ngân hàng trong nước khi đồng hành cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay và sớm xây dựng Luật PPP để có hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia thực hiện dự án.
Để các dự án BOT đảm bảo hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đại diện cơ quan KTNN kiến nghị, cần sớm triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng đối với toàn bộ các trạm thu phí; đồng thời bố trí hệ thống camera và chuyển toàn bộ dữ liệu trực tuyến qua internet. Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về thực hiện dự án BOT, trong đó hướng dẫn nội dung xây dựng phương án tài chính dự án BOT, làm rõ cách xác định, căn cứ của các chỉ tiêu trong phương án tài chính, chỉ tiêu về tăng trưởng, lãi vay, mức lợi nhuận của nhà đầu tư... đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân; xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT, tiêu chí đánh giá năng lực khi lựa chọn nhà đầu tư; tăng cường công tác lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Bên cạnh đó, cần quy định và ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện dự án BOT cũng như quy định về lựa chọn nhà thầu, quản lý chi phí... nhằm tăng tính cạnh tranh và tiết giảm chi phí đầu tư của dự án. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự án BOT ngay từ khi lập, thẩm tra dự án, phê duyệt phương án tài chính, lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời, cần có cơ chế giám sát của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án cũng như trong quá trình vận hành khai thác của nhà đầu tư, tránh tình trạng lạm thu và giấu doanh thu thu phí.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019