Phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, so với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Trong đó, về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được sửa đổi theo hướng gồm: Ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ Quốc gia về việc làm để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; nguồn huy động của NHCSXH; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH.
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm (Điều 8).
Về lý do đưa ra đề xuất trên, Chính phủ cho biết, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện nay chủ yếu được thực hiện từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn do NHCSXH huy động và nguồn địa phương ủy thác qua NHCSXH. Cả 3 nguồn vốn này đều do NHCSXH tổ chức thực hiện cho vay.
Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt trên 102.217,551 tỷ đồng. Đây là chương trình có dư nợ lớn nhất, chiếm 29,14% tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai tại NHCSXH (trong đó, dư nợ từ Quỹ quốc gia về việc làm khoảng 4.530 tỷ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động khoảng 59.308 tỷ đồng và nguồn vốn của địa phương ủy thác khoảng 38.378 tỷ đồng).
Trong đó, hai nguồn chủ yếu là nguồn huy động của NHCSXH - chiếm tỷ trọng lớn nhất, có xu hướng ngày càng tăng (thông qua cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất), bên cạnh đó là nguồn ủy thác của địa phương qua NHCSXH.
Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có Quỹ quốc gia về việc làm được quy định tại Luật Việc làm, trong khi nguồn huy động của NHCSXH và nguồn ủy thác của địa phương qua NHCSXH chưa được luật hóa trong Luật Việc làm (quy định tại văn bản dưới Luật), dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở thuận lợi cho quản lý, điều hành và hoạt động.
Nhằm đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm, một số địa phương đã dành một khoản chi đầu tư phát triển chuyển cho NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý chưa rõ, chưa tạo cơ hội huy động các nguồn lực để bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm cũng cho thấy, dù được quy định trong Luật nhưng Quỹ Quốc gia về việc làm không có tổ chức bộ máy, kế toán. Từ khi được thành lập năm 1992 đến năm 2002, Quỹ do hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý, cho vay và từ năm 2002 đến nay là do NHCSXH thực hiện quản lý, cho vay.
Vì không có tổ chức bộ máy, không phải là một tổ chức có hoạt động độc lập, không có tư cách pháp nhân, không có báo cáo tài chính riêng… như các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác nên từ năm 2016 đến nay, Quỹ Quốc gia về việc làm cũng không được ngân sách nhà nước (NSNN) cấp bổ sung vốn mà chỉ được bổ sung vốn từ một phần tiền lãi cho vay theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, Thông tư số 54/2016/TT-BTC.
Đồng tình với đề xuất về việc giải thể Quỹ Quốc gia về việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, cách thiết kế của Chính phủ rất phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội.
“Cách thiết kế như vậy là phù hợp với Chỉ thị số 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới; quan trọng nhất là đã thể hiện được đúng hướng của Luật NSNN và Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài nhà nước” - ông Lê Quang Mạnh phân tích.
Cần kiểm toán Quỹ Quốc gia về việc làm
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, liên quan đến nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng Luật.
Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh và làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này; rà soát bảo đảm tính thống nhất, liên thông với các chính sách hiện hành, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện; bảo đảm thống nhất với Luật NSNN.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần tiến hành kiểm toán Quỹ Quốc gia về việc làm trong năm 2024; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các quy định về xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội cho nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giải thể Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển toàn bộ số dư của quỹ về ngân sách trung ương để bố trí dự toán qua NHCSXH thực hiện các hoạt động cho vay song Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị cần có đánh giá bổ sung hoạt động của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, số dư của Quỹ đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, ông Cường đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát thống nhất quy định bố trí chi đầu tư phát triển cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp cho NHCSXH để cho vay.
Đồng tình với quan điểm của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, qua lấy ý kiến của cán bộ công đoàn về Luật Việc làm, một trong những ý kiến được quan tâm là hiện nay đối tượng người lao động không được tiếp cận một cách đầy đủ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm vì đối tượng này không thuộc đối tượng như là hộ nghèo, nhưng thực tế thì họ lại rất khó khăn.
“Trong điều kiện, bối cảnh ngân sách cho phép thì có thể nghĩ tới việc mở rộng đối tượng để cho người lao động đang làm việc là công nhân có những hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận quy định với mức cụ thể về thu nhập, nhất là hoàn cảnh gia đình kèm theo khi họ có mong muốn tiếp cận nghề nghiệp” - ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất.