Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho"

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh", tối 04/11, tại Hà Nội.

1.jpeg
Thủ tướng khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu Quốc gia. Ảnh: CP

Sự kiện do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Chủ đề của Chương trình năm nay nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.

Thương hiệu không chỉ là khẳng định chất lượng, mà còn là cam kết phát triển bền vững

Phát biểu tại Lễ công bố, đánh giá đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực, cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2024.

Theo Thủ tướng, qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu Quốc gia vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu Quốc gia.

Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.

Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia và tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu; thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu.

Vì vậy, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

"Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM. Ảnh: CP

6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thủ tướng lưu ý thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.

Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng…

3.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. Ảnh: CP

Kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…".

Bám sát chủ trương này, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng triệt để hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược: Thứ nhất là đột phá về thể chế để thuận lợi nhất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo những cơ hội, cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, doanh nhân một cách hiệu quả nhất; thứ hai là xây dựng và phát triển hạ tầng chiến lược để góp phần giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Công cuộc xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và không ngừng nâng cao thương hiệu của doanh nhân, doanh nghiệp Việt, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo sự thành công trong công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

Hiện nay chúng ta còn nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Chúng ta phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, phải coi trọng thời gian và trí tuệ ở điểm này để tháo gỡ thật nhanh. Chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045 nếu như thập kỷ tới đây chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới đây thì mới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, để tiên phong và tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển…

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố và trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình./.

Cùng chuyên mục
  • [TRỰC TIẾP] Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước
    16 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.
  • Chuyển tải thông điệp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê Công
    17 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Từ ngày 05 - 08/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc. Tham dự các Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mê Công tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
  • Chế tài xử lý lãng phí chưa đủ sức răn đe
    17 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên thảo luận sáng 04/11, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề phòng, chống lãng phí và cho rằng, vấn đề này được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
  • [TRỰC TIẾP] Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
    17 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
  • Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội
    17 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (04/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho"