Chi sự nghiệp môi trườngcòn nhiều hạn chế
Việc chi sự nghiệp môi trường ở nước ta có một số đặc điểm như sau: Nguồn chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường còn hạn chế nhưng phân bổ lại dàn trải. Theo quy định hiện hành, mức chi cho hoạt động này không dưới 1% tổng chi NSNN. Hằng năm, mức chi này có tăng dần nhưng chưa tương xứng với mức tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như chưa tương xứng với mức tăng huy động vào NSNN và so với mức chi của các nước.
Theo luật định, nguồn thu hằng năm của kinh phí sự nghiệp môi trường (KPSNMT) bao gồm phí/lệ phí, quỹ bảo vệ môi trường (phần huy động ngoài NSNN) nhưng tỷ lệ thu này còn khá thấp so với quy định nên việc bổ sung nguồn KPSNMT mỗi năm còn ít.
Tuy vậy, việc sử dụng KPSNMT hiện nay có hiệu quả thấp. Điều này thể hiện ở việc một số Bộ, ngành sử dụng kinh phí còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc thuộc phạm vi quản lý. Ở địa phương, số kinh phí này lại tập trung chủ yếu cho việc quản lý chất thải như thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt dẫn tới không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định, có không ít địa phương còn sử dụng KPSNMT cho nhiệm vụ khác. Việc bố trí KPSNMT thậm chí còn lãng phí.
Việc quản lý KPSNMT còn yếu, chế độ tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường tuy đã được sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn thiếu nhiều mục chi. Một số nội dung chi, định mức, đơn giá chi để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán môi trường hoặc lồng ghép với các cuộc kiểm toán ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều địa phương chưa phân bổ đủ nguồn KPSNMT, cơ quan chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa tham gia vào việc phân bổ, thực hiện nguồn chi; chưa có sự giám sát chặt chẽ của HĐND các cấp. Cơ chế sử dụng các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường, tiền phạt, nguồn tài trợ vốn ODA, tài trợ phi chính phủ cho việc bảo vệ môi trường chưa rõ ràng; thiếu sự điều hòa, phối hợp. Tổng kinh phí thu được từ thuế, phí bảo vệ môi trường chưa đủ để đầu tư trở lại cho các công trình xử lý môi trường. Đặc biệt, một số địa phương còn chi, quyết toán một số nhiệm vụ, nội dung không đúng chế độ tài chính, quản lý kinh phí chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, ở nhiều địa phương, cơ quan quản lý môi trường các cấp chưa thể hiện đúng vai trò là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm về chuyên môn như đã quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, sự tham gia của Sở TN&MT vào quy trình tổng hợp, cân đối kinh phí để trình UBND và HĐND còn mờ nhạt, dẫn đến tình trạng kinh phí từ nguồn này còn dàn trải, một số nhiệm vụ chi không đúng, chưa đáp ứng được các nội dung ưu tiên về bảo vệ môi trường.
Tăng cường hiệu quảchi bảo vệ môi trường
Về cơ bản và lâu dài, Chính phủ cần xác định mục tiêu tăng tỷ lệ huy động vào NSNN, hay nói cách khác, nguồn lực tài chính cho việc bảo vệ môi trường phải dựa vào nguồn đầu tư, sự đóng góp của những người khai thác, sử dụng môi trường như DN và người dân. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, NSNN sẽ vẫn còn là nguồn tài chính chủ yếu cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Do đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, Việt Nam cần tăng gấp đôi tỷ lệ chi sự nghiệp môi trường từ 1% tổng chi NSNN hiện nay lên 2% (tương đương với khoảng 1% GDP). Đây là xu hướng tất yếu đối với nước ta cả trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời, tỷ lệ này cũng tương hợp với mức chi bình quân của nhiều nước trên thế giới (từ 1% đến 3% GDP).
Về triển khai thực hiện, việc tăng tỷ lệ chi sự nghiệp môi trường có thể theo lộ trình như: Đến năm 2021 (thời kỳ ổn định ngân sách mới), tỷ lệ chi này đạt mức 1,5% tổng chi NSNN; đến năm 2026 (thời kỳ ổn định ngân sách mới tiếp theo) đạt mức 2% và sẽ duy trì mức này cho thời kỳ ổn định ngân sách mới sau nữa. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý cần rà soát và điều chỉnh các quy định hiện nay về sử dụng KPSNMT theo hướng: Cùng với việc khắc phục tình trạng sử dụng kinh phí còn phân tán, dàn trải, quá tập trung vào quản lý chất thải, cần tập trung phần kinh phí tăng thêm vào các nhiệm vụ trọng tâm, các điểm nóng; hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường mang tính chất tạo đà, mở đường để thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội. Tăng cường vai trò chủ động và phối hợp của cơ quan quản lý môi trường trong việc lập dự toán, phân bổ và thanh quyết toán ngân sách.
Đồng thời, điều chỉnh quy trình quản lý tài chính sao cho Bộ/Sở TN&MT không chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường một cách hành chính thụ động mà phải tích cực và chủ động trong khâu phân bổ KPSNMT. Theo đó, cơ quan quản lý môi trường phải chủ động lên phương án phân bổ kinh phí tương ứng, phối hợp với Bộ/Sở Tài chính để xem xét, điều chỉnh, thống nhất sau đó báo cáo Chính phủ/UBND địa phương (tỉnh/thành phố) trình Quốc hội/HĐND xem xét, phê duyệt.
Hai là, tăng cường hiệu quả chi bảo vệ môi trường thông qua công tác kiểm toán.
Đến nay, KTNN đã thực hiện 2 cuộc kiểm toán chuyên đề: việc quản lý, sử dụng KPSNMT giai đoạn 2006-2008; việc quản lý, sử dụng KPSNMT giai đoạn 2009-2011 và lồng ghép kiểm toán việc chi NSNN cho bảo vệ môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương.
Qua các cuộc kiểm toán này, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, rà soát, điều chỉnh định mức, đơn giá đã lỗi thời; bố trí hợp lý các dự án, đề án về môi trường; quản lý chặt chẽ nội dung, chất lượng, đảm bảo các đề án, dự án được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả. KTNN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đưa nội dung kiểm điểm công tác môi trường vào báo cáo tổng kết, đánh giá định kỳ của đơn vị; chú trọng việc phát động phong trào bảo vệ môi trường; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn dân; đưa nội dung giáo dục môi trường vào sách giáo khoa...
Để phát huy hơn nữa vai trò của mình, KTNN cần có những giải pháp triệt để, lâu dài, cụ thể là: hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán, hoàn thiện quy trình kiểm toán và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kiểm toán, đa dạng hóa các loại hình kiểm toán ngân sách địa phương trong đó có nội dung kiểm toán chi bảo vệ môi trường trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.
KTNN cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm toán hoạt động trong kiểm toán chi sự nghiệp môi trường, cần chú trọng việc kiểm toán tổng hợp và kiểm toán trước. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ cũng như sử dụng kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khác trong công tác kiểm toán. Về công tác tổ chức kiểm toán: Nếu KTNN lập kế hoạch kiểm toán tổng quát trung hạn (từ 3 - 5 năm) thì nên tiến hành thực hiện kiểm toán chuyên đề về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường (tùy theo nội dung kiểm toán chi tiết).
Kế hoạch này phải nêu rõ những yêu cầu mà cuộc kiểm toán cần phải đạt được, cần xác định đây là cuộc kiểm toán hoạt động chứ không phải là cuộc kiểm toán tài chính.
Khi KTNN chưa lập kế hoạch kiểm toán tổng quát trung hạn thì nên lập kế hoạch kiểm toán theo năm, tức là cuộc kiểm toán này cần được thực hiện lồng ghép như hiện nay. Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm toán lồng ghép thì khó có thể đánh giá tổng thể về nội dung chi nói trên để đi đến các kết luận, kiến nghị mang tính vĩ mô có tác động nhanh chóng và trực tiếp đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và nội dung chi sự nghiệp bảo vệ môi trường nói riêng.
ThS. NGUYỄN THỊ TUẤN NAM
Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018