Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo

(BKTO) - Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), tỉnh Kon Tum đã bám sát các chương trình, nỗ lực triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ để thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

vayvon-2-16614196201621755494452.jpg
Nguồn vốn chính sách đóng vai trò quan trọng giúp người dân từng bước thoát nghèo. Ảnh: TS

Để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách thuận lợi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trong công tác giảm nghèo, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tỉnh xác định nguồn vốn chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Từ đó, thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tỉnh đã từng bước đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Chung - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tín dụng chính sách là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, khó khăn có điều kiện vươn lên, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Kết quả thực hiện tính đến 30/6, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum đạt 4.082 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung vào cho vay các chương trình tín dụng chính sách trọng tâm, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nhà ở xã hội, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

Chỉ tính năm 2020 đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum được giao số vốn 966,5 tỷ đồng, tập trung vào cho vay các chương trình như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, nhà ở xã hội, cho vay thực hiện Chương trình 1719. 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

20191208153054-dsc0600.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giúp đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, từ đó thúc đẩy giảm nghèo cho người dân. Ảnh: Báo Kon Tum

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn chính sách, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay, đảm bảo người dân được tiếp cận tốt nhất với các nguồn vốn vay ưu đãi. 

Đề xuất các phương án, cơ chế để lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội phù hợp tình hình thực tế; triển khai hiệu quả những chương trình tín dụng chính sách thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hoạt động giám sát chương trình giảm nghèo

Xác định hoạt động kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung và thành công của các chương trình mục tiêu nói riêng, tỉnh Kon Tum cùng với các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm khoảng 55% dân số trong tỉnh. Kon Tum có 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai công tác giám sát tại huyện Kon Rẫy. Theo báo cáo, qua 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo từ 24,86% năm 2021 giảm xuống còn 16,88% cuối năm 2022. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn giảm từ 36,28% năm 2021 xuống còn 25% cuối năm 2022.

Đối với Chương trình 1719, năm 2022, huyện đã giải ngân 16,950 tỷ đồng, đạt 57,64% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân khoảng 20 tỷ đồng, đạt 49,21% so với kế hoạch.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2022, huyện đã giải ngân 780 triệu đồng, đạt 23,24% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân khoảng 3 tỷ đồng, đạt 38,2% so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Đình Thanh đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án sử dụng các nguồn vốn thuộc các chương trình MTQG, đảm bảo thực hiện có hiệu quả thiết thực và giải ngân hết các nguồn vốn được giao.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn.

dsc_6431-1600x1200-.jpg
KTNN đang thực hiện kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: N.Lộc

Liên quan đến công tác giám sát, trước đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán Chương trình 1719, giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (đợt 1, theo kế hoạch kiểm toán năm 2023). Theo đó, đoàn kiểm toán đã tiến hành kiểm toán chi tiết Chương trình 1719 tại Ban Dân tộc tỉnh và các huyện: Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Các đơn vị kiểm tra đối chiếu gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước.

Ông Vũ Tiến Vượng - Phó Trưởng phòng (KTNN chuyên ngành V), Tổ trưởng Tổ kiểm toán tại tỉnh Kon Tum cho biết, nội dung kiểm toán tập trung vào việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình. Phạm vi kiểm toán từ khi triển khai thực hiện Chương trình đến ngày 31/12/2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Kết quả kiểm toán được coi là nguồn thông tin quan trọng để phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719. /.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo