Nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu

(BKTO) - Sáng 24/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

202504240904089180_z61_9225.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích ban hành Luật nhằm tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, góp phần khơi thông nguồn lực tín dụng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét tiếp tục thực hiện thí điểm đối với 3 chính sách được đề xuất trong dự án Luật này.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị làm rõ hơn một số nội dung như: cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Trong đó, về cơ sở chính trị, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan. Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời đề nghị tiếp tục nhận diện và có phương án khắc phục những hạn chế từ khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 để sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

202504240904088399_z61_8948.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Lưu ý nợ xấu tăng cao trong giai đoạn vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định phạm vi chính sách để xác định khoản nợ vay đúng quy định, tránh việc tổ chức tín dụng nới lỏng điều kiện cho vay; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải quản lý chặt chẽ nợ xấu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các chính sách mà Chính phủ đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan làm rõ thêm các nhóm nội dung về: cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn; đánh giá thực trạng, nguyên nhân của nợ xấu, tính cấp bách, cấp thiết xử lý nợ xấu; định lượng tác động của 3 chính sách đề nghị luật hóa tới xử lý nợ xấu.

Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, các quy định cần được bảo đảm đầy đủ, minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế - Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu