Nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp Việt

(BKTO) - Thời gian qua, Việt Nam được khá nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn là một điểm đến để đặt nhà máy sản xuất. tuy nhiên, hiện nay sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn khá hạn chế. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng liên kết của các DN Việt với các tập đoàn đa quốc gia, từ đó có thể tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

13(1).jpg
Để tham gia chuỗi cung ứng, bản thân các DN Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh sưu tầm

Doanh nghiệp chưa định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi cung ứng

Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến - chế tạo của Việt Nam ngày càng tăng, mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù vậy, sự tham gia của các DN Việt trong chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Bình luận về vấn đề này, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, theo kết quả nghiên cứu “Năng lực hoạt động của DN Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương” do VCCI thực hiện gần đây đã chỉ ra, phần lớn DN Việt chưa định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, qua khảo sát 500 DN xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy, có tới 64,7% DN chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và 53,3% DN không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, chỉ có 15,3% DN có chiến lược tổng thể trong dài hạn và 10,2% DN đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong trung hạn; 5,4% DN đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% DN đã triển khai các hành động cụ thể.

Đặc biệt, theo ông Huân, DN Việt Nam mới chỉ tập trung vào giải quyết những khía cạnh thuộc “phần ngọn”, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, thuộc về năng lực nền tảng, tạo tác động dài hạn như: Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo…, nhằm nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, khả năng đáp ứng yêu cầu đối tác của DN Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ ở mức trung bình, DN gặp khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật và thời gian giao hàng. “Tình trạng DN Việt còn thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng như hiện nay cho thấy việc tận dụng cơ hội từ hội nhập để tạo bước nhảy vọt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN còn rất khó khăn” - ông Huân nhấn mạnh.

Cần hình thành những doanh nghiệp “đầu tàu”

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, yêu cầu nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các DN được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất của thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, đưa khuyến nghị cụ thể, ông Marcin Piatkowski - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới toàn cầu, Ngân hàng Thế giới - chia sẻ, theo kinh nghiệm của nhiều nước đã thành công trong việc kiến tạo chuỗi cung ứng trong nước, Chính phủ Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách để tập trung hỗ trợ những DN mạnh, trở thành những “con chim đại bàng”. Sau đó, các DN “đầu tàu” này sẽ có vai trò dẫn dắt, kết nối với các DN khác để trở thành các DN vệ tinh tham gia vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, theo ông Paul Weijers - Cố vấn cấp cao Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa” (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, để kết nối được với DN đầu chuỗi và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, các DN Việt phải đảm bảo một cách xuyên suốt, ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời phải phấn đấu để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, bản thân các DN Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, khi đó cuộc chơi giữa các DN nội - ngoại mới thực sự là “win - win”.

Đưa thêm lưu ý cho các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, xu thế phát triển bền vững đang trở thành hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay, ngoài yêu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, các DN Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh… để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của đối tác khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với sự nỗ lực của các DN, theo ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI, Nhà nước cần tiếp tục gia tăng các cơ chế hỗ trợ để kết nối các DN nội địa với các DN đầu chuỗi đang tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước; cũng như có sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các DN nội để đáp ứng yêu cầu của các DN đầu chuỗi…/.

Theo một nghiên cứu của Bộ Công Thương, về trình độ công nghệ của các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, khoảng 30% DN hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công; trên 50% DN có sử dụng thiết bị bán tự động; hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hóa và chưa đến 10% DN có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt.

Cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp Việt