Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

(BKTO) - Trong những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng nhưng năng lực cạnh tranh còn khá hạn chế, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường: Chính sách, thực tiễn và giải pháp”, do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 14/11.

pn.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo các số liệu thống kê, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng hơn 20% trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn chiếm một tỷ lệ nhỏ so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ, song tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ này ngang bằng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực như Singapore (24%), Thái Lan (23%), Indonesia (21%) và thậm chí cũng ngang bằng với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, ví dụ Pháp (24%); Thụy Điển (20%)... Đặc biệt, 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, xét về chất lượng, phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đều ở nằm ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành hàng và còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng của các đối tác lớn.

Theo ông Cương, nguyên nhân của tình trạng này là do sức cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn yếu, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; thiếu nguồn vốn; năng lực quản trị doanh nghiệp và khả năng tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế…

Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị Hải Yến - Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân TP. Hà Nội, các nữ doanh nhân phải gánh trên vai “trách nhiệm kép” vừa phát triển doanh nghiệp vừa chăm sóc gia đình nên gặp khá nhiều áp lực, trong khi việc tiếp cận với các nguồn lực còn hạn chế.

Về nguyên nhân khách quan, theo ông Cương, Nhà nước còn thiếu các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; chính sách can thiệp cân bằng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu…

Từ thực tế trên, đưa khuyến nghị giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ông Cương cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách ưu tiên, bản thân các doanh nhân nữ phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển của cac tổ chức trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia đối thoại với các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền; thường xuyên phản ánh khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cũng như nêu sáng kiến, ý tưởng đóng góp thông qua bộ phận một cửa tại các sở, ngành địa phương.

Đồng thời, các doanh nhân nữ cũng phải chủ động tham gia các mạng lưới hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ để học hỏi kiến thức về kinh doanh, ngành nghề, tiếp cận vốn…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tích cực tiếp cận các khoá đào tạo, tư vấn thông tin, hỗ trợ pháp lý; tiếp cận các tổ chức trung gian hỗ trợ bao gồm các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, quỹ đầu tư...

Đặc biệt, theo bà Bùi Thị Hải Yến, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, nếu không sẽ rất dễ bị tụt hậu, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.

Về phía Nhà nước, bà Yến bày tỏ, để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay.

Về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia các chuỗi cung ứng, các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn để cập nhật thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về những cơ hội, cách thức tiếp cận thị trường thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế thông qua các hoạt động đào tạo, hướng dẫn được minh họa bằng những ví dụ thực tế…/.

Cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ