Mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng bình quân 8-10%/năm
Theo đó, mục tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2020 là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu. Giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong thời kỳ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân sẽ đạt khoảng 8%/năm. Mỗi năm có ít nhất 100 lượt DN xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt DN đạt giải chất lượng quốc gia. Đồng thời, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên, phụ liệu và linh, phụ kiện cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu. Từng bước đưa DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số khâu có giá trị gia tăng cao. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc và năng lực canh tranh quốc gia tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015.
Nhìn dài hạn hơn, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 9-10%/năm thời kỳ 2021-2030. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu, Đề án cũng quan tâm đến việc hình thành các DN có năng lực cạnh tranh cao, làm nòng cốt cho các nhóm mặt hàng xuất khẩu.
Mỗi năm có ít nhất 200 lượt DN xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt DN đạt giải chất lượng quốc gia. Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam phải tăng ít nhất 20 bậc và năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 25 bậc so với năm 2015.
Nhằm tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng trong việc định hướng phát triển, cũng như tạo thuận lợi cho các DN trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, Đề án xác định rõ các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu gồm gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn, rau quả, dệt may, giày dép, đồ gỗ, vali, túi xách, ô dù, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện, cáp điện. Các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu gồm chè, mật ong, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhựa và sản phẩm nhựa, phân bón, hóa chất.
Phải chuyển đổi phương thức sản xuất, xuất khẩu
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Đề án đã nêu rõ 10 nhóm giải pháp chủ yếu.
Trong đó, đáng chú ý có giải pháp tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Đối với nông sản sẽ chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.
Đối với sản phẩm công nghiệp sẽ chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa. Các phương thức xuất khẩu sẽ chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp; xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB (giao hàng tại cảng xếp hàng) sang xuất khẩu theo điều kiện giao hàng CIF (giao hàng tại cảng dỡ hàng).
Một số giải pháp quan trọng khác là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; tăng cường vai trò của DN có vốn đầu tư nước ngoài; củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng…
Trong Đề án này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất đối với các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu thuộc nhóm hàng công nghiệp phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời, Bộ được giao làm đầu mối chủ trì tổ chức xây dựng thương hiệu chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm và DN xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia. Song song với việc tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường của các DN, Bộ cần tổ chức đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định kinh tế, thương mại đa phương và song phương.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng; phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết nhà nông - nhà DN - nhà khoa học; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Đồng thời, các cơ quan hữu quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao những nhiệm vụ cụ thể. Về kinh phí thực hiện Đề án, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về NSNN.
PHÚC KHANG
Theo tuần báo số ra ngày 10/8/2017